Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm, 2 tòa nhà đình đám một thời của Tập đoàn Khaisilk của ông Hoàng Khải, sẽ thuộc sở hữu chính thức của công ty Chloe Hospitality và có tên gọi mới là Chole Gallery. Trước đó, chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên về Việt Nam từng thuộc sở hữu của đại gia Hoàng Khải cũng bị rao bán.
KhaiSilk âm thầm bán khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm
Cả 2 dự án đình đám là khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm đều thuộc về "đế chế" hùng mạnh một thời của ông chủ Khaisilk, doanh nhân Hoàng Khải.
Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm của tập đoàn Khaisilk tại số 2 - 6 Phan Văn Chương (khu vực Cầu Ánh Sao - Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7).
Giá trị chuyển nhượng không được công bố tuy nhiên hai công trình trên từng được Tập đoàn Khaisilk đầu tư hơn 30 triệu USD.
Trong đó, tòa lâu đài màu trắng Tajmasago trị giá 15 triệu USD nằm tại bờ hồ bán nguyệt của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đã từng được nhắc đến trong tạp chí Forbes. Trong khi đó, tòa nhà Cham Charm tọa lạc tại số 2 Phạm Văn Chương, P. Tân Phú, Phú Mỹ Hưng, TP.HCM được xem như một trong những nhà hàng đẹp nhất thuộc chuỗi các nhà hàng triệu đô của Khaisilk, một tập đoàn có các thiết kế nhà hàng đều mang nét cung đình, từ Việt Nam (Nam Kha) đến Trung Hoa (Ming) và Chăm Pa (Cham Charm).
Ông Hoàng Khải, vốn được biết đến là người đã gây dựng nên "đế chế" Khải Silk. Được định vị là sản phẩm cao cấp, thương hiệu lụa Khaisilk đã nhanh chóng tạo dựng danh tiếng, đặc biệt với khách du lịch nước ngoài.
Không chỉ sở hữu thương hiệu khăn tơ lụa Khaisilk, doanh nhân Hoàng Khải còn được biết đến là chủ nhân của hàng loạt dự án bất động sản và chuỗi nhà hàng cao cấp tại TP.HCM.
Hoàng Khải cũng là ông chủ một số nhà hàng cao cấp tại TP.HCM như Au Menoir de Khai, Ming Dynasty, Nam Phan; Cham Charm, Trois Pommes; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café...
Tuy nhiên, cuối tháng 10.2017, Khaisilk đối mặt với khủng hoảng nặng nề khi thương hiệu lụa Khaisilk dính vào bê bối gian lận "hàng Tàu - nhãn Việt" khiến thương hiệu này rơi vào khủng hoảng, bị người tiêu dùng tẩy chay.
Bất ngờ hơn, sau khi ông chủ thương hiệu lụa Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra còn phát hiện khăn lụa Khaisilk không có thành phần lụa như công bố trên sản phẩm là 100% thành phần lụa.
Cũng theo kết luận của Bộ Công Thương, doanh nghiệp này đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Khaisilk còn có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn…
Các cửa hàng Khaisilk sau đó lần lượt đóng cửa. Hai tòa nhà là khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm cũng tạm ngưng mọi hoạt động cho đến nay.
Ngoài khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm, tháng 8 vừa qua thông tin về chiếc Rolls-Royce Phantom thuộc sở hữu của đại gia Khải Silk cũng được một showroom tư nhân tại Hà Nội chào bán với giá hơn 9 tỷ đồng.
Chiếc Rolls-Royce Phantom màu bạc này chính là chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên được đưa về Việt Nam và từng được ví như "cơn đại chấn" trong giới chơi xe thời điểm đó.
Bà chủ 24 tuổi sở hữu 2 tòa lâu đài của Khaisilk là ai?
Theo thông tin trên Cổng đăng kí doanh nghiệp quốc gia, Công ty TNHH Chloe Hospitality chủ sở hữu mới của khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm mới thành lập ngày 6.9.2018, có vốn điều lệ 36 tỷ đồng. Trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.
Công ty đăng kí hơn 40 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành chính là kinh doanh bất động sản bao gồm mua, bán nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Cho thuê, điều hành, quản lý nhà và đất ở…
Công ty này có trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, Phường Tân Phú, Quận 7 (Tp. HCM), đây cũng chính là địa chỉ của Tajmasago.
Người đại diện theo pháp luật của Chloe Hospitality ban đầu là bà Bùi Thị Vân Anh, tổng giám đốc, sinh năm 1970. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12, doanh nghiệp này công bố thay đổi thông tin. Theo đó, bà Đào Ngọc Bảo Phương, sinh năm 1994 thay bà Bùi Thị Vân Anh là người đại diện pháp luật và cũng là tổng giám đốc của Chloe Hospitality.
Được biết, chủ sở hữu của Chloe Hospitality là Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Bến Thành, do ông Nguyễn Cao Trí, sinh năm 1970 làm Chủ tịch HĐQT, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, đứng sau Chloe Hospitality là những người "không hề mới" trong lĩnh vực điều hành, kinh doanh bất động sản cao cấp. Ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc Điều hành Chloe Hospitality chính là người đứng sau Riverside Place (quận 4), Galina Phú Quốc (Kiên Giang)…
Không chỉ việc tiếp nhận 2 toà nhà của Khải Silk, hiện tại Chloe Hospitality đang đầu tư một vài toà nhà tại quận 7 và một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc.
Theo kế hoạch, Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông… đến trình diễn sản phẩm.
Đặc biệt, sau khi tu sửa nơi đây sẽ là điểm hẹn cho những đại tiệc về nghệ thuật - âm nhạc - thời trang - điện ảnh, là nơi kết nối các tài năng, giá trị văn hoá - tinh thần hiện đại với cộng đồng công chúng văn minh.
Chloe Gallery sẽ hoàn chỉnh toàn bộ diện mạo mới cho hai công trình, dự kiến hoàn thành cuối tháng 12.2018 và bắt đầu mở cửa đón khách sau giai đoạn chỉnh trang.