Theo đó, ban lãnh đạo mới này gồm các ông: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Uông Dương (Wang Yang), Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và Hải Hàn Chính (Han Zheng).
Như vậy, Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 19 gồm 2 gương mặt cũ là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, cả hai đều được bầu vào Ban thường vụ chính trị từ khóa 17.
5 thành viên bổ nhiệm mới để thay thế các thành viên đã đến tuổi nghỉ hưu, trong đó có ông Vương Kỳ Sơn. Tất cả 7 thành viên Ban Thường vụ chính trị khóa mới của Trung Quốc đều có tuổi đời trên 60.
Ông Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (sinh năm 1953) trở thành Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc từ năm 2012 và thành Chủ tịch nước từ năm 2013. Ông là ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ tháng 10/2007.
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)
Ông Tập Cận Bình được coi là “con nhà nòi” chính trị. Cha ông từng đảm nhận vị trí phó thủ tướng và phó chủ tịch quốc hội. Năm 1975, ông theo học Đại học Thanh Hoa và có bằng kỹ sư hóa chất, luật sư. Ông từng có hơn một thập niên đảm nhiệm cương vị lãnh đạo đảng ở địa phương.
Ông Lý Khắc Cường
Ông Lý Khắc Cường sinh năm 1955 tại tỉnh An Huy trong một gia đình truyền thống chính trị.
Ông Lý Khắc Cường (Ảnh: Reuters)
Ông được kết nạp Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1976 và lãnh đạo phong trào sinh viên giai đoạn 1978 – 1982. Ông đã tốt nghiệp đại học với bằng luật và kinh tế.
Trước khi được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2007, ông này từng giữ chức Chủ tịch tỉnh Hà Nam. Ông được cho là có mối quan hệ thân cận với cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Tháng 3/2013, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.
Ông Lật Chiến Thư
Ông Lật Chiến Thư (Ảnh: Getty)
Ông Lật (sinh năm 1950) là Chánh văn phòng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trợ lý cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong một loạt vấn đề từ ngoại giao, kinh tế đến cải cách tư pháp.
Ông cũng là người thường xuất hiện bên cạnh ông Tập trong các chuyến công du cấp nhà nước và các sự kiện quan trọng khác. Ngoài ra, ông Lật còn là Chánh văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia do ông Tập sáng lập.
Cả ông Tập và ông Lật đều bắt đầu sự nghiệp chính trị khi là lãnh đạo của 2 địa phương lân cận thuộc tỉnh Hà Bắc.
Ông Uông Dương
Ông Uông Dương (Ảnh: Reuters)
Ông Uông Dương (sinh năm 1955) hiện là Phó Thủ tướng Trung Quốc, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề thương mại.
Ông được coi là người có tư tưởng cải cách kinh tế theo hướng khuyến khích lĩnh vực tư nhân và chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc từ nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp nặng sang nền kinh tế lấy tiêu thụ và cải tiến làm cơ sở.
Ông từng là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2005 - 2007 và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông năm 2007 – 2012. Ông được cho là có mối quan hệ thân cận với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ông Vương Hỗ Ninh
Ông Vương Hỗ Ninh (Ảnh: AFP)
Ông Vương Hỗ Ninh (1955), Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc kể từ năm 2002, từ lâu được coi là “bộ óc” đằng sau tư tưởng điều hành của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Vương từng là cố vấn chính trị cho hai cựu lãnh đạo trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào và thường tháp tùng họ trong các chuyến công du nước ngoài.
Dưới thời ông Tập, ông Vương cũng thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Trung Quốc trong các sự kiện quan trọng, cùng với các ông Lật Chiến Thư và Dương Khiết Trì.
Ông Triệu Lạc Tế
Ông Triệu Lạc Tế (Ảnh: Reuters)
Ông Triệu (sinh năm 1957) là Bí thư tỉnh Thiểm Tây giai đoạn 2007-2012. Sau đó, từ năm 2012, ông được bầu vào Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động bổ nhiệm.
Sau Đại hội đảng lần thứ 19, ông sẽ thay thế ông Vương Kỳ Sơn trở thành Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện ông là một trong những ủy viên Thường vụ Chính trị trẻ nhất ở Trung Quốc.
Ông Hàn Chính
Ông Hàn Chính (Ảnh: Getty)
Ông Hàn Chính (sinh năm 1954) là Bí thư Thành ủy Thượng Hải và là ủy viên Bộ Chính trị. Ông từng giữ chức thị trưởng Thượng Hải năm 2003 - 2012. Ông là chính khách có tư tưởng khích lệ doanh nghiệp và được cho là góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế ở Thượng Hải.
Ông đặt chân vào Bộ chính trị từ năm 2012 sau đại hội khóa 18.