Ông Trí cho biết, sau khi Tiền Phong đăng bài, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo địa phương kiểm tra, chấn chỉnh tình hình. UBND xã Hòa Khương bước đầu đã triệu tập một số chủ thầu xây dựng, cùng người dân có đất sang nhượng tại nghĩa trang này để làm rõ các thông tin mà báo phản ánh. Cụ thể, UBND xã Hòa Khương đã mời và làm việc với ông Nguyễn Đình Tâm (trú thôn Phú Sơn Nam, một trong những nhân vật trong bài viết có đề cập) để làm rõ một số thông tin mà trước đó ông Tâm đã trao đổi với phóng viên, để có cơ sở lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật. Riêng với trường hợp ông Nguyễn Lương Chín, công an huyện Hòa Vang đang thụ lý để điều tra xử lý việc ông này có hành vi dọa nạt dẫn đến xô xát với người dân xây mộ cho thân nhân tại nghĩa trang này.
Ông Trí cũng cho biết thêm, xã cũng đã yêu cầu các hộ dân xóa hoặc thay biển quảng cáo việc sang nhượng đất nghĩa trang gây phản cảm dọc tuyến QL 14B. Để ổn định tình hình lâu dài, không tái diễn tình trạng trên, ông Trí cho hay UBND xã Hòa Khương sẽ mời tất cả 75 hộ dân có kinh doanh dịch vụ xây dựng tại khu vực nghĩa trang Gò Cà để quán triệt và ký cam kết không được nâng và ép giá xây dựng, cũng như sang nhượng đất trái phép. Ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài ra, UBND xã Hòa Khương sẽ đầu tư xây dựng các biển hiệu kèm số điện thoại của Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã ngay tại nghĩa trang Gò Cà để người dân kịp thời phản ánh nếu xảy ra việc ép giá, ép xây dựng mồ mả cũng như sang nhượng đất trái phép xảy ra. Cùng với đó, tổ tự quản của xã sẽ tăng cường việc tuần tra, giám sát, việc thực hiện quy định về kinh doanh, giá cả xây dựng tại khu vực này.
Trước đó, ngày 3/10, báo Tiền Phong đăng bài “Bảo kê nghĩa địa”, điều tra và phản ánh tình trạng một số chủ thầu xây dựng tại nghĩa trang Gò Cà ép người dân có nhu cầu xây mồ mả cho thân nhân với giá cao, không được đưa thợ xây bên ngoài vào cũng như việc sang nhượng đất nghĩa trang trái phép để trục lợi.