Chậm trễ, ách tắc khi thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi thực hiện chính quyền đô thị trên địa bàn TPHCM, nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc khi từ đơn vị cấp ngân sách trở thành đơn vị dự toán ngân sách.

Chiều 28/9, HĐND TPHCM tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM đối với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Sở Thông tin và truyền thông TPHCM.

Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TPHCM đặt vấn đề về vai trò, sự chủ động của các sở khi quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị, các địa phương gặp nhiều khó khăn nhưng việc tháo gỡ chưa kịp thời.

Chậm trễ, ách tắc khi thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM ảnh 1

Quang cảnh buổi giám sát của HĐND TPHCM chiều 28/9.

Chậm trễ, ách tắc khi thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM ảnh 2

Lãnh đạo các sở, ngành thành phố trao đổi tại buổi giám sát.

Tốc độ giải quyết công việc chậm hơn trước

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng, mục đích cuối cùng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị là phục vụ tốt người dân, nhưng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021 của TPHCM tụt hậu rất nhiều. Cùng với đó, việc phân cấp ủy quyền cho TP. Thủ Đức vốn được kỳ vọng rất nhiều nhưng thực sự cũng không có gì mới.

Cũng theo ông Phùng, các đề án đô thị thông minh, chuyển đổi số của TP. Thủ Đức đều bị ách tắc do không nằm trong danh sách ưu tiên nên không bố trí được vốn.

Đặt vấn đề với Sở Nội vụ, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM Lê Trương Hải Hiếu cho rằng đã có sự tổn thất rất lớn khi các quận từ cấp ngân sách trở thành đơn vị dự toán ngân sách. Bên cạnh đó, việc nhập ba quận thành TP. Thủ Đức cũng khiến tốc độ giải quyết công việc “chậm hơn xưa 3 lần”, lãnh đạo địa phương thì xin nghỉ việc.

Do đó, ông Hiếu đề nghị cần đánh giá thêm thực tế TP. Thủ Đức từ khi thành lập đến nay có những thuận lợi, khó khăn như thế nào. Đồng thời cũng đánh giá tính hiệu quả của chính quyền đô thị trong giải quyết yêu cầu, phục vụ cuộc sống của người dân thành phố.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị thời gian tới, các đơn vị cần đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 131 trên địa bàn thành phố. Việc làm này cần đánh giá chi tiết, cụ thể để thấy được khó khăn, vướng mắc mà tháo gỡ.

Ông Dũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị thì cần giải quyết công việc của dân nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, các sở, ngành phải đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công. Mặt khác, các đơn vị cũng tham mưu UBND TPHCM ban hành các hướng dẫn, phân cấp ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa để các địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ.

Giảm tính chủ động trong quản lý ngân sách địa phương

Trước đó, tại buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đối với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư diễn ra chiều 27/9, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà cho biết, khi thực hiện chính quyền đô thị, thành phố trở thành đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư. Vì thế cũng làm giảm tính chủ động trong điều hành quản lý ngân sách của cấp quận, phường, tăng áp lực rất lớn lên Sở Tài chính và UBND, HĐND thành phố.

Trong khi đó, các bộ, ngành cũng chưa có hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách khi thành phố thực hiện chủ trương lớn này.

Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai nhìn nhận, với khó khăn về ngân sách như trên, các quận không thể chủ động bố trí vốn được cho các dự án đầu tư công trên địa bàn. Theo tính toán, hiện nay nhu cầu đầu tư của các quận hơn là 1.600 tỷ đồng.

Theo bà Mai, có một số nội dung mà UBND thành phố có thể ủy quyền cho quận quyết định và thực hiện dự án. Mặt khác, sở sẽ cùng các đơn vị tìm cách thức nhanh nhất để tháo gỡ nút thắt này.

Thống nhất các ứng dụng trên địa bàn

Tại buổi giám sát chiều 28/9, đại biểu Nguyễn Đức Hiếu cho rằng hiện có tình trạng “trăm hoa đua nở” các ứng dụng tại các quận, lại thêm Cổng Dịch vụ công 1022… Điều này tạo nên áp lực đối với đội ngũ cán bộ công chức ở phường, xã, thị trấn, nhất là khi đang thực hiện tinh giản biên chế. Ông Hiếu cho đây là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến tâm lý của đội ngũ cán bộ công chức ở địa phương.

Từ thực tế trên, ông Hiếu đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông liên thông tất cả các ứng dụng này về một mối để giảm áp lực cho đội ngũ cán bộ địa phương, tạo điều kiện cho người dân phản ánh kiến nghị trực tiếp đến cơ quan chính quyền, đồng thời cũng cần cơ chế cải cách, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành các ứng dụng này.

Trao đổi về ý kiến này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh nhìn nhận, chính công tác phòng chống dịch COVID-19 hai năm qua đã thúc đẩy một cách tự nhiên hoạt động chuyển đổi số. Hiện nay, TPHCM đang phối hợp WB xây dựng chiến lược dữ liệu phục vụ quản lý điều hành, trong đó tập trung vào việc tạo lập các nguồn dữ liệu thiết yếu, như đất đai, quy hoạch, xây dựng giao thông, an sinh xã hội, y tế, giáo dục.

Bà Trinh cho biết, hiện các ứng dụng ở quận huyện đang phát huy hiệu quả, vấn đề là có thể đưa về hệ thống chung của TPHCM hay không. Vướng mắc lớn nhất là việc chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin chuyên ngành.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.