Chậm nộp thuế có thể bị tăng gấp đôi mức phạt

Chậm nộp thuế có thể bị tăng gấp đôi mức phạt
TP - Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20-3, một số ĐB cho rằng lách luật, chậm nộp, gian lận trốn thuế còn khá phổ biến.

>Đề nghị cách chức chi cục trưởng thuế

Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, cần nâng cao mức xử phạt với hành vi gian lận, trốn thuế để đảm bảo tính răn đe như đề xuất tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Theo luật hiện hành, người chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức phạt chậm nộp này là thấp, một số doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền thuế, chấp nhận bị phạt chậm nộp, không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây khó khăn cho hành thu. “Đề nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng nâng mức phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế lên mức cao hơn hiện hành. Có thể quy định mức phạt 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”- Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đề xuất.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, trường hợp người khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, luật hiện hành quy định xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn. Để răn đe, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị nâng mức phạt lên gấp đôi, tức 20%. Còn với hành vi trốn thuế, hiện mức phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế, được cơ quan thẩm tra đề nghị nâng lên 2-3 lần, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý.

Đồng tình việc tăng mức phạt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, mức phạt phải cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng mới có ý nghĩa. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, mức phạt như đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng. Nhưng ông lo ngại, “nếu phạt nặng quá thì đối tượng vi phạm sẽ quay sang mua chuộc cán bộ thuế và để ngăn ngừa việc đó là rất khó”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Tình trạng tiêu cực thuế là thực tế hiện nay, lịch sự nhất là lách luật, còn phổ biến là gian lận, trốn thuế”. Chủ tịch QH cũng lưu ý cơ quan soạn thảo, dự luật cần phân biệt đối tượng cố tình gian lận thuế với trường hợp gặp khó khăn, rủi ro trong kinh doanh để quy định cho phù hợp với thực tế.

Thủ tục phải đơn giản

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật sửa đổi, bổ sung 31 điều trong tổng số 120 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành. Có 21 nội dung tại ba nhóm vấn đề được đề xuất sửa đổi với mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế. Đồng thời tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế. Theo đó, thời gian thủ tục hoàn thuế được rút ngắn hơn. Ví dụ, trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày được rút xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định để xử lý linh hoạt hơn việc xóa nợ tiền thuế, tiền phạt… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, điều kiện xóa nợ còn lỏng lẻo. Cần quy định rõ điều kiện gia cảnh, tài sản, nhân thân để tránh sự móc ngoặc kéo dài thời gian nộp thuế, lách luật. Cần quy định tiêu chí, điều kiện để xóa nợ cụ thể hơn ngay trong luật này.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ xin ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ ba tới đây và thông qua vào cuối năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.