Chậm nguồn gạo hỗ trợ: Trường học phải mua nợ giá cao, vay ăn từng ngày

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều trường học bán trú trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đang trong tình trạng thiếu gạo nấu ăn cho học sinh do khâu vận chuyển hiện phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn đơn vị đủ năng lực. Để giải quyết tình thế, các nhà trường phải đi mua gạo nợ với giá cao và vay ăn từng ngày.

Mua nợ, vay gạo nấu ăn cho học sinh

Theo Nghị định số 116 năm 2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, hằng năm huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được Tổng cục Dự trữ Nhà nước cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 15kg/tháng/học sinh. Việc cấp phát gạo được chia thành 2 đợt, đợt 1 vào tháng 10 và đợt 2 vào đầu tháng 3 học kỳ II của năm học.

Chậm nguồn gạo hỗ trợ: Trường học phải mua nợ giá cao, vay ăn từng ngày ảnh 1

Bữa ăn của học sinh miền núi bán trú

Tuy nhiên, đã gần hết tháng 3, các đơn vị trường học trên địa bàn vẫn chưa nhận được hỗ trợ gạo. Nhiều trường phải đi mua gạo ngoài chợ với giá cao, hoặc vay mượn từng ngày để duy trì bữa ăn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Ngày 20/3, PV có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS (PTDTBT TH&THCS) Trạm Tấu (xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu). Trường vừa tiếp nhận một tấn gạo từ đại lý thị xã Nghĩa Lộ chuyển lên, thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu hiện có 574 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó 535 học sinh ở tại trường, cuối tuần, bố, mẹ các em mới xuống đón về. Mỗi ngày, các em ăn hết gần 3 tạ gạo từ nguồn dự trữ được cấp mỗi kỳ. Tuy nhiên, bước sang học kỳ II, năm học 2023 - 2024, trường vẫn chưa nhận được nguồn gạo hỗ trợ.

“Nhà trường đã phải đi mua nợ gạo của các hộ kinh doanh để nấu ăn cho hơn 500 học sinh tại trường. Trong khi đó, giá gạo mua đắt gấp đôi so với giá gạo hỗ trợ, việc thanh toán sau khi nhận được gạo hỗ trợ cũng là một vấn đề vô cùng khó khăn đối với các bậc phụ huynh có con em theo học tại trường”, hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu nói.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Bùi Thanh Tùng, Phó phòng GD-ĐT huyện Trạm Tấu cho biết, đây là tình trạng chung trong khu vực chứ không riêng tại Yên Bái. Ở địa phương, đơn vị đã liên hệ với phía Chi cục Dự trữ nhà nước để sớm phân bổ nguồn gạo hỗ trợ cho các trường học trên địa bàn. Trước mắt, phòng chỉ đạo những trường học còn thừa nhiều gạo từ học kỳ I chưa chi trả cho các gia đình sẽ hỗ trợ cho các trường hết gạo dự trữ để ứng phó với tình hình thiếu gạo này.

Cùng hoàn cảnh các trường trên địa bàn huyện Trạm Tấu, thầy giáo Lê Hải Đăng, hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải cho biết, đến thời điểm này nhà trường đã hết phần gạo dự trữ để nấu ăn cho các em học sinh. Hiện tại, nhà trường phải đi vay gạo của các hộ kinh doanh để nấu ăn cho các cháu.

Năm học 2023 - 2024 nhà trường có 21 lớp, với 881 học sinh; trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 99%; tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo chiếm 58%. Theo quy định của nhà nước từ ngày 1/1/2024 nhà trường có 697 học sinh đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú. Trung bình mỗi ngày nhà trường phải sử dụng hết gần 3 tạ gạo.

Trước tình trạng chậm cấp gạo dài ngày, ông Đăng cho rằng, đi vay cũng chỉ được 2 tấn, ăn được hơn 1 tuần. Nếu tình trạng chậm cấp gạo kéo dài thì nhà trường sẽ phải huy động phụ huynh học sinh hỗ trợ để nấu ăn cho các em, vì nhà trường cũng không còn nguồn để vay mượn.

Tắc ở đâu?

Liên quan vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn khẳng định, muộn nhất đến 10/4, gạo sẽ được cấp đến các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Nói về tình trạng chậm cấp gạo này, ông Dũng lý giải, do theo quy định mới, việc cung cấp, vận chuyển gạo cho các đơn vị phải thông qua đấu thầu rộng rãi qua mạng, dẫn đến tình trạng chậm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, trước đó, Cục đã thông tin đến các tỉnh để chủ động ứng phó với tình hình này.

Theo thông tin từ ngành giáo dục tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu hiện có 32 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú với gần 20.000 học sinh đang được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ. Hiện nay, gần như toàn bộ các trường trên địa bàn 2 huyện này đang trong tình trạng “báo động” hết gạo để nấu ăn cho học sinh.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.
Từ 1/1/2025, người chưa nộp phạt vi phạm giao thông sẽ không được cấp, đổi giấy phép lái xe
Từ 1/1/2025, người chưa nộp phạt vi phạm giao thông sẽ không được cấp, đổi giấy phép lái xe
TPO - Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, cơ quan chức năng sẽ không cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với người vi phạm giao thông chưa nộp phạt cũng như không thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện vi phạm chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.