Anh nói muốn làm phim cho tất cả mọi người xem. Anh tự tin khi phim ra mắt ở Mỹ?
Khi viết kịch bản, trước hết tôi muốn viết điều mình thích. Dù da trắng, da màu đều cần sự động chạm giữa con người, chính là sự liên kết, bởi đôi khi lời nói chưa đủ. Hơn nữa, câu chuyện phim về những người Việt sống ở Mỹ, nên có thể là hơi khác lạ với khán giả trong nước.
Tuy vậy, phim cũng có không ít cảnh gần gũi, như cảnh Tâm chăm sóc ông bố hà khắc, cố tình xa lánh vì mặc cảm liệt chân, nhưng cô con gái vẫn nhẫn nại. Tôi nghĩ Chạm không thiếu những yếu tố văn hóa Việt Nam.
“Chạm” được một số giải thưởng ở các liên hoan, đại hội điện ảnh ở Mỹ có giúp phim dễ chạm đến khán giả trong nước?
Giải thưởng là một phần thôi, khi khán giả xem lại là chuyện khác, mình không thể so sánh như vậy được. Minh không dám chắc, nhưng mong rằng khán giả Việt Nam vừa lòng với Chạm. Mặt khác, đây là phim độc lập không có hỗ trợ phát hành, nên giải thưởng cũng rất cần để kéo khán giả tới rạp.
Hai diễn viên chính đều lần đầu đóng phim dài anh không lo rủi ro sao?
Mấy vai phụ người Việt, tôi đăng báo và hẹn họ tới. Hầu hết họ đều diễn lần đầu, nhưng nếu diễn thử thấy ổn tôi sẽ chọn. Còn hai diễn viên chính, mình chưa bao giờ thấy họ đóng phim nên cũng hơi khó khăn, nhưng khi quyết định chọn thì phải tin tưởng họ chứ. Phim kinh phí thấp nên tôi chỉ có thể mời diễn viên mới vào nghề. Đổi lại, điều đó mang lại cho bộ phim sự mới mẻ hơn.
Anh thấy phản hồi khán giả ở Mỹ và Việt Nam có khác nhau?
Ở Mỹ mấy cảnh sex không có vấn đề gì, Việt Nam có vẻ hơi sốc một chút. Nhưng tôi tin họ chấp nhận được. Khi phim công chiếu ở Việt Nam cũng nhiều ý kiến, có người xem xong bảo phim vừa làm cho họ cười, lại làm cho họ khóc. Nhiều người phàn nàn nhiều cảnh nóng quá. Cảnh nóng ở đây không phải để câu khách, mà vì nó cần thiết cho câu chuyện. Sở dĩ tôi chọn bối cảnh chủ đạo tiệm nail (làm móng), vì ở Mỹ hơn một nửa tiệm do người Việt mở. Nơi đó nhộn nhịp, phụ nữ nói với nhau đủ thứ chuyện, nhất là sex. Một số người nói thoại hơi “trần trụi”. Đây là hướng đi mới của tôi. Ở những phim ngắn trước, tôi cảm giác thoại khi nào cũng đẹp đẽ, thơ mộng nên tôi muốn cách đối thoại thực tế hơn.
Một phần đời sống người Việt ở hải ngoại lên phim anh liệu có sát thực tế?
Có chứ. Họ sống ở Mỹ, cũng cực khổ và lao động chăm chỉ. Dẫu vậy, họ vẫn có cái thú vị. Trước khi viết kịch bản, tôi đến mấy tiệm nail ngồi làm móng luôn, mắc cỡ ra phết. Phải lui tới cả chục lần, làm bạn với họ và nghe kể cách làm, cách chia tiền, cách nói chuyện với khách, đối xử với nhau ra sao.
Nếu được chia sẻ với các nhà làm phim độc lập ở Việt Nam, anh nói gì?
Làm phim độc lập cần sự may mắn rất nhiều. Nếu không có nhiều tiền muốn làm phim độc lập không phải quá khó. Quay phim bây giờ mình có thể dùng máy quay kỹ thuật số. Quan trọng nhất là cần câu chuyện hay, diễn viên tốt. Dù không có nhiều cảnh đẹp, không có ngôi sao mình vẫn có thể làm được phim tốt.
Touch (Chạm) xoay quanh Tâm (Porter Lynn) cô thợ làm móng sống nội tâm, bất ngờ nảy sinh cảm xúc lạ với khách hàng đặc biệt Brendan (John Ruby). Anh chàng thợ máy tìm đến Tâm để làm sạch đôi tay đầy dầu mỡ, mong cứu vãn cuộc hôn nhân, bởi vợ xa lánh cả năm trời. Những đụng chạm không phải lúc nào cũng vì sex, mang lại trải nghiệm thật thú vị. Chạm được giải khán giả bình chọn cho phim hay nhất tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (ViFF) 2011 ở Mỹ. Sau đó, phim lần lượt được các giải: Truyện phim hay nhất, Quay phim đẹp nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh Quốc tế Boston (Mỹ); Phim đầu tay xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh Quốc tế Santa Rosa; Giải Giám khảo tại Đại hội Điện ảnh Quốc tế Á Châu Atlanta |