Cây xanh bị 'bức tử' ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tỷ lệ mảng xanh trên đầu người ở TPHCM vẫn còn khá thấp song cây xanh vẫn đang tiếp tục bị xâm hại, thậm chí đốn hạ không thương tiếc.

Thích là đốn ...

Quần thể cây cổ thụ quanh tuyến đường Cư xá Nam Hải và đường 715 Tạ Quang Bửu, (phường 4, quận 8, TPHCM) đang xanh tươi, rợp bóng mát bất ngờ bị đơn vị quản lý cắt ngang thân. Đến nay, hàng cây cổ thụ đã bị chết đứng khiến người dân sinh sống trong khu vực bức xúc.

Cây xanh bị 'bức tử' ở TPHCM ảnh 1

Nhiều cây xanh bị cắt ngang thân chết đứng tại khu vực công viên chung cư Đồng Diều

Ảnh: VÂN SƠN

Chị Hương Giang, chủ hộ kinh doanh đồ ăn sáng tại chung cư Đồng Diều cho biết, trước đây, xung quanh chung cư, công viên và dọc tuyến đường Cư xá Nam Hải có hàng cây cổ thụ xanh tốt, cao hàng chục mét, có những cây thân to 2 người ôm mới xuể. Tán cây lớn che phủ, cho bóng mát quanh năm. Người dân sinh sống vui khỏe. Hoạt động kinh doanh buôn bán cũng thuận lợi nhờ có bóng mát của cây xanh.

“Chẳng hiểu vì lý do gì đơn vị quản lý đột nhiên đưa công nhân, phương tiện đến cắt hạ toàn bộ hàng cây xanh. Điều kỳ lạ là họ không cắt cành, tỉa tán theo hình thức cải tạo giúp cây xanh loại bỏ những cành già cỗi, nhằm hạn chế cây đổ gãy do mưa bão mà đồng loại cắt ngang thân cây. Sau khi cắt, có nhiều cây chết luôn, không thể đâm chồi lại được. Một số cây khác mọc loe ngoe vài lá trên thân nhưng dưới gốc thì đã khô, bong tróc hết lớp vỏ. Giờ chúng tôi buôn bán ở đây, cứ nắng lên là như bị hắt lửa vào mặt nên cũng thưa vắng khách” - chị Hương Giang nói.

Theo Đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030 được UBND TPHCM thông qua, trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM tăng tối thiểu 150 ha đất công viên. Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3 - 4 m2/người, bước đầu cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh của thành phố.

Người dân ở đây còn bức xúc bởi nhiều cây cổ thụ bị chết sau khi cưa nên cơ quan quản lý thu dọn không xuể. Đến nay, trong khu vực vẫn còn tồn tại hàng chục cây cao gần 10m, chết khô chưa được bứng gốc, nguy cơ đổ gãy đe dọa đến sự an toàn của người dân bởi TPHCM đang trong mùa mưa bão .

Trao đổi với PV, ông Hồ Hữu Hải, Trưởng Phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết: “Cây xanh tại Cư xá Nam Hải được đầu tư bởi dự án Xây dựng khu dân cư Đồng Diều do Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng (INTRESCO), làm chủ đầu tư. Hiện nay, các cây xanh này chưa bàn giao cho đơn vị chức năng và chủ đầu tư dự án vẫn đang quản lý, chăm sóc. Các cây xanh bị cắt ngang thân là do chủ đầu tư thực hiện vào khoảng tháng 10/2022”.

Về tình trạng cây xanh bị chết khô vẫn chưa được xử lý có nguy cơ đổ gãy, ông Hải cho biết Trung tâm Hạ tầng sẽ chuyển thông tin đến UBND quận 8 để làm việc với chủ đầu tư. “Công tác cắt tỉa cây xanh đô thị trên địa bàn TPHCM đã được Sở Xây dựng ban hành hướng dẫn và phổ biến đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức” - ông Hải cho hay.

Trước đó, dư luận TPHCM bức xúc trước sự việc hàng cây xanh trên đường Trường Sơn, (quận Tân Bình) bị bịt gốc bằng bê tông. Giải thích về vấn đề này, ông Hải cho biết, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã sử dụng “bê tông” có tính thấm nước rất tốt phủ bồn gốc cây tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố, trong đó có đường Trường Sơn được thực hiện thí điểm. Theo ông Hải, loại vật liệu này đã được các nước ứng dụng rộng rãi để làm đường dạo trong công viên, khu dân cư, vỉa hè, bồn gốc cây với mục đích tăng không gian mặt bằng sử dụng nhưng đồng thời tạo thẩm mỹ và đạt được giải pháp thấm, thoát nước tự nhiên cho bề mặt. Sau quá trình thí điểm, cơ quan chức năng sẽ có đánh giá để cải tiến về độ thẩm mỹ, khả năng thấm nước, mức độ tiện lợi trong thiết kế...

Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, tình trạng một số tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại cây xanh đường phố bằng việc xây trám xi măng, đổ bê tông gây bít gốc cây để tạo không gian sinh hoạt đang diễn ra. Bên cạnh việc ngăn chặn, tháo dỡ, Trung tâm sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Cấp thiết tăng mảng xanh

Không chỉ bị “bức tử”, cây xanh tại TPHCM còn bị đốn hạ phục vụ thi công các công trình, dự án. Đơn cử, tuyến đường Tôn Đức Thắng (quận 1) từng có hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát. Tuy nhiên, để phục vụ thi công cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) kết nối quận 1 và thành phố Thủ Đức, từ đầu năm 2018, 258 cây xanh trên tuyến đường này đã bị đốn hạ và di dời.

Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, liên quan đến việc tái lập mảng xanh sau khi thi công cầu Thủ Thiêm 2, chủ đầu tư dự án đã tiến hành trồng lại cây xanh ở khu vực theo hồ sơ thiết kế. Theo ghi nhận của PV vào chiều 16/8, hàng cây xanh được trồng mới trên tuyến đường Tôn Đức Thắng đang phát triển tốt nhưng cần thêm nhiều thời gian để cây đủ lớn tạo bóng mát như trước đây.

Cũng để phục vụ thi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (metro số 1), hàng cây xanh trên đường Lê Lợi (quận 1) đã phải đốn hạ và di dời. Trong quá trình chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng, nhiều cây xanh cũng đã bị đốn hạ. Hiện nay, công viên này có một hàng cây xanh vừa được trồng mới, nhưng độ che phủ bóng mát rất hạn chế.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho rằng, đối với cây xanh phía trên các công trình ngầm, TPHCM nên chọn lựa loại cây trồng phù hợp, không quá cao, bộ rễ không ăn sâu. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu các loại cây xanh trồng trong chậu để tăng cường mảng xanh đô thị, đặc biệt là với những khu vực như tuyến đường Lê Lợi, công viên Bến Bạch Đằng.

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, diện tích cây xanh/người ở TPHCM hiện nay khá thấp (không đến 1m2/người). Do đó, khi xây mới các công trình hay khi quy hoạch cần phải tập trung tăng diện tích mảng xanh. “Hiện nay TPHCM vẫn còn ít công viên. Bên cạnh đó, diện tích bê tông tối đa hóa làm giảm diện tích đất công viên. Khi nói đến việc xây dựng công viên, thành phố cần phải chú ý phân bổ đều, tránh khu vực có nhiều công viên, khu vực lại có ít. Công viên phải được phân bố đồng đều ở từng khu vực sao cho bán kính 15 phút đi bộ, người dân có thể tìm được công viên bất kỳ”- KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
Bình Dương xử phạt nhiều nhất lỗi nồng độ cồn trong 5 ngày nghỉ lễ
TPO - Trong số hơn 1.300 trường hợp bị tước giấy phép lái xe có đến 745 người vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt hành chính ước tính 6,575 tỷ đồng. Trong đợt ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp lễ, Bình Dương tăng số tổ công tác và lượt cán bộ, đạt kết quả cao trong tốp 4 toàn quốc.