Theo ông Tuấn, ông đã yêu cầu Tổng cục trưởng Lâm nghiệp xác minh. Đến chiều 3/4, đã có một cây, được xác định là cây đa, không phải trên đất lâm nghiệp”.
“Nếu ai đó sai phạm, tiếp tay thuộc lực lượng kiểm lâm thì phải xử lý” -ông Tuấn nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, dù phải có kết luận cụ thể, tuy nhiên, nhìn qua hình ảnh, có thể nhận định cả 3 cây “khủng” đều thuộc loài đa. Những cây này không nằm trong diện quý hiếm, có thể trồng trong rừng, hoặc khu vực phân tán như đình làng, nhà dân...
Liên quan đến nguồn gốc của 3 cây khủng nói trên, ông Tùng cho hay, mấu chốt nằm ở việc chủ hàng không xuất hiện. “Nếu “tóm” được ông chủ hàng, sẽ tìm được hồ sơ và lần ra nguồn gốc ba cây trên ở đâu, ông nào cấp phép ngay”- ông Tùng nói.
Lãnh đạo Cục Kiểm lâm cũng tiết lộ, ngoài những cây đang bị giữ vì quá tải, vài cây khủng khác có thể được vận chuyển đi trót lọt và hiện đã “mất tích”.
Quyền Cục trưởng Kiểm lâm cũng cho biết, nếu cây “khủng” có nguồn gốc ở rừng thủ tục sẽ khác với cây trồng phân tán ở nhà dân, đầu làng, khu vực đất trống... “Nếu cây trồng của nhà dân thì họ bán, cho, biếu, tặng là việc riêng của họ. Còn nếu cây khủng được khai thác từ rừng, cũng phải làm rõ từ rừng đặc dụng hay là rừng sản xuất... sẽ kiểm tra các giấy tờ liên quan, ai cấp phép khai thác”- ông Tùng nói.
Liên quan đến việc làm rõ thông tin nguồn gốc của 3 cây khủng đang bị giữ ở Huế, ông Tùng cho biết, hiện Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đã có giấy mời Cty TNHH Cơ khí Hải Sơn (Đồng Hới, Quảng Bình) để làm việc. Đồng thời chi cục này cũng đang cử các kiểm lâm viên canh gác và bảo vệ các cây khủng đang bị giữ, cho đến khi vụ việc được làm rõ.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, về việc phối hợp, khi cảnh sát giao thông giữ cây khủng có những dấu hiệu vi phạm, cần phối hợp với lực lượng kiểm lâm để làm rõ hồ sơ lâm sản.