Cây dừa hai ngọn và ẩn ý một vùng đất

Chùa An Xá
Chùa An Xá
TP - Lũ chồng lũ, dồn dập đổ về gây thiệt hại nặng nề cho người dân Lệ Thủy (Quảng Bình). Sau những ngày kiên cường chống chọi, người dân tái thiết cuộc sống, cây cối đâm chồi nẩy lộc, dấu tích của trận lũ kinh hoàng đã lùi lại phía sau...  

Kiên cường giữa tâm lũ

Trận đại hồng thủy qua đi, chúng tôi trở lại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nơi những ngày cuối tháng 10/2020 còn ngập chìm trong biển nước. Con đường bê tông đã phong quang, sạch sẽ dẫn chúng tôi về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dọc hai bên là đồng ruộng tít tắp, thẳng cánh cò bay. Thoảng vương đâu đó chút bùn đất như đánh dấu mức độ khủng khiếp của cơn cuồng nộ...

Làng An Xá kia rồi! Ngôi nhà lưu niệm thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dần hiện rõ. Những gương mặt chúng tôi gặp đều ánh lên sự bình thản đến lạ thường. “Vùng chiêm trũng Lệ Thủy, năm nào cũng có lũ, lũ theo lệ đến thành quen. Lũ nhỏ thì ngập đường, còn năm nay lũ lớn hơn nên ngập sâu, cuốn trôi nhà cửa. Hãy coi đó là thử thách của thiên nhiên, để qua đó tôi rèn bản lĩnh chống chịu”, ông Trần Văn An (60 tuổi, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) chia sẻ.

Chúng tôi vào nhà lưu niệm của Đại tướng. Đón khách là ông Võ Xuân Hòa (67 tuổi, gọi Đại tướng bằng bác thúc bá). Dẫu trận lũ lịch sử đã qua mấy tháng nay, nhưng nhìn những gì đang còn lại chúng tôi hiểu sức tàn phá của thiên nhiên ghê gớm đến chừng nào. Theo ông Võ Xuân Hòa, nước lũ ngập đến mái nhà, dù đã kê kệ đồ rất cao nhưng lũ đến quá nhanh khiến mọi người không trở tay kịp. “Trên 40 cuốn sổ lưu niệm bị lũ cuốn trôi hoặc bị vùi trong bùn đất. Các kỉ vật  như cối giã gạo, cối xay lúa, bờ gỗ, liếp cửa... đều hư hỏng. Phía đầu vườn là nhà thờ dòng họ cũng bị lũ làm sập tường, cuốn trôi nhiều thứ”, ông Hòa cho hay.

Cây dừa hai ngọn và ẩn ý một vùng đất ảnh 1 Cây dừa hai ngọn trong khuôn viên chùa An Xá

Thoáng đượm buồn khi nhắc tới những mất mát, ông Hòa lại điềm tĩnh chia sẻ: “Sau lũ, con Đại tướng ghé về cùng mọi người bàn kế hoạch phục dựng. Như di nguyện lúc Đại tướng còn sống, việc duy tu lại nhà thờ không sử dụng gỗ lim hay gỗ quý từ rừng mà phải sử dụng gỗ mít vườn nhà. Kế hoạch sửa chữa, phục dựng sẽ thống nhất với chính quyền địa phương”.

“Chùa An Xá được thành lập năm 1900, là nơi thờ Phật, sau này thờ Bác Hồ, thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ. Trong khuôn viên chùa có cây dừa hai ngọn “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Cây dừa được trồng năm 1957, lúc Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Bình và đến năm 1994, chùa An Xá được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia thì cây dừa phân thành hai ngọn”. 
Cụ Trần Xứ kể

Ánh nắng giữa trưa hắt xuống khoảng vườn nhà lưu niệm. Trên cây na, vú sữa, cây hồng... chồi non bung nở những chiếc lá đầu tiên sau lũ. Cành cây khỏe khoắn đâm chồi nảy lộc, một sự sức sống mới hồi sinh. Khi được ông Võ Xuân Hòa giới thiệu về cây khế gắn liền với tuổi thơ của Đại tướng đang chớm những chồi non, chúng tôi mới hiểu được sự mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất của đất và người Lệ Thủy.

Chuyện cây dừa hai ngọn

Cách nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 500m là Chùa An Xá, một nơi được người dân bái mộ. Đã 28 năm trông coi, cụ Trần Xứ (80 tuổi) là người hiểu rất rõ về lịch sử ngôi chùa và những sự kiện đặc biệt diễn ra quanh nó. Ngày 2/7/1945 nơi đây diễn ra Hội nghị cán bộ đảng tỉnh Quảng Bình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, nên chùa An Xá là nơi rất tôn nghiêm cả về tâm linh lẫn lịch sử.

Trong khuôn viên của chùa, đặc biệt có cây dừa hai ngọn như chữ V (thông điệp, biểu trưng, ý chí chiến thắng) hiên ngang đón nắng. Nói về ý nghĩa cây dừa hai ngọn, cụ Trần Xứ cho biết thêm, thời điểm cây dừa phân thành hai ngọn chỉ cao 11m nhưng nay cao gần 20m. Đối với người dân địa phương, cây dừa hai ngọn là biểu tượng cho ý chí vượt qua nghịch cảnh, thiên tai của người dân An Xá. Dù ở hoàn cảnh khó khăn nào thì người dân An Xá cũng đồng lòng vượt khó đi lên. Không một ai ở An Xá được phép hái trái dừa hai ngọn, chỉ khi trái dừa rụng xuống cụ Xứ nhặt, rửa sạch và đưa vào bàn thờ trong chùa.

Từ cây khế hơn 120 tuổi nơi Đại tướng ngồi học bài, đi qua hàng trăm trận lũ vẫn đâm hoa, kết trái cho đến cây dừa hai ngọn bừng sức sống dù bão táp mưa sa. Đó là biểu tượng cho niềm tin, sự kiên cường của người An Xá. Và cũng chính nơi đây đã sinh ra Người anh hùng dân tộc, văn võ kiêm toàn, làm rạng danh non sông đất nước-Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.