Ai phải bồi thường?
Trước đó, ngày 17/8/2012, trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), do gió giật mạnh làm một cây xanh đổ xuống đè ngang xe khiến lái xe tử vong tại chỗ. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã bị cây xanh đổ, gãy gây thương vong và thiệt hại nặng nề về tài sản.
“Cái chết của đồng nghiệp xảy ra tối 4/6 khiến chúng tôi đau lòng và lo lắng. Sau vụ tai nạn, các lái xe taxi đều quan tâm là trong trường hợp này ai sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Hằng năm thành phố chi nhiều tỷ đồng cho công tác bảo dưỡng, chăm sóc, cắt tỉa cây song không hiểu sao những vụ tai nạn do cây gãy, cây đổ vẫn cứ xảy ra mỗi khi mưa to gió lớn”, anh Hoàng Hữu Dung lái xe taxi hãng Thanh Nga nói.
Không chỉ người dân mà ngay cả đại diện cơ quan chức năng, cũng lo ngại về tình trạng cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão. Theo ông Nguyễn Văn Tòng-Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội, hiện trên địa bàn có rất nhiều biển báo, đèn tín hiệu bị cây xanh che khuất tầm nhìn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Đơn vị đã phải liên tục gửi văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan cắt tỉa hay có các biện pháp cảnh báo về nguy cơ cây xanh gãy đổ trên nhiều tuyến phố.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Cty Công viên cây xanh Hà Nội)-đơn vị được giao quản lý hệ thống cây xanh hiện nay cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp cây xanh lâu năm bị gãy đổ. Riêng trong trận mưa giông ngày 4/6, đã có gần 160 trường hợp cây xanh bị gãy đổ.
Lý giải của ông Mạnh, bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do việc thi công hạ tầng đô thị. Việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao làm cho rễ cây lâu năm bị nông cạn dẫn đến cây dễ gãy đổ khi mưa bão.
Đề cập về trách nhiệm trước những trường hợp cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người dân, lãnh đạo công ty này cho rằng, đến thời điểm này chưa có một quy định cụ thể nào. “Chúng tôi chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của thành phố. Việc tai nạn do cây xanh đổ gãy trong mưa bão là những tai nạn đáng tiếc, bất khả kháng”, đại diện Cty Công viên cây xanh nói.
Cây đổ, lộ nhiều bất cậpHiện, Cty Công viên cây xanh Hà Nội đang được thành phố giao quản lý khoảng trên 46.000 cây xanh có bóng mát được trồng trên nhiều tuyến phố thuộc 9 quận của Hà Nội. Trong số này đa phần là những cây lâu năm đã bộc lộ nhiều bất cập khi có mưa gió. Điển hình như cây xà cừ, một loại cây xanh lâu năm có bộ rễ chùm tốn đất, tán rộng nhưng rất dễ bị đổ gãy. Những loại cây có rễ chùm không chống chịu được mưa bão lớn kéo dài. Chính vì vậy trong trận mưa giông, những cây xanh bị gãy đổ phần lớn là các cây cổ thụ dễ đổ gãy như xà cừ, muồng.
Mỗi năm, đơn vị này phải cắt sửa trên 4.000 cây nặng tán, nguy hiểm; chặt hạ trên 1.000 cây chết khô, sâu mục, nghiêng, nguy hiểm. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực lẫn phương tiện, nên trong những đợt gãy đổ cây hàng loạt vừa qua, việc dọn dẹp, giải tỏa và trồng mới cây thay thế gặp nhiều khó khăn.
“Thời điểm này những cây xanh đổ rạp gây cản trở giao thông trên các tuyến đường về cơ bản đã được dọn dẹp. Chúng tôi đã huy động tất cả lực lượng và cũng phải vài ngày nữa mới có thể thu dọn hết tất cả các cây xanh đổ, gãy trong công viên, vườn hoa”, ông Nguyễn Xuân Hưng- Phó Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Cây xanh Hà Nội cho biết.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trước việc hàng loạt cây xanh bị đổ gãy do ảnh hưởng của mưa bão vừa qua, các cơ quan chức năng Hà Nội đang lên kế hoạch loại bỏ dần hàng loạt cây xanh dễ bật gốc. Theo đó, sẽ tổng kiểm tra cây xanh trên toàn thành phố và thay thế những cây không đảm bảo an toàn, kể cả cây to lâu năm.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thuật (đoàn luật sư Hà Nội), trong Bộ luật Dân sự đã có điều khoản về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
“Luật pháp đã quy định chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do bất khả kháng. Khi xác định được lỗi là do cơ quan quản lý cây xanh không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như cắt tỉa các cành cây khô, có nguy cơ gãy, rơi xuống đường thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và người dân có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo quy định pháp luật”, luật sư Thuật phân tích.