Chiếc cầu đón thần linh
Hồ Gươm, Tháp rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc... đã đi vào thơ ca, nhạc họa, đi vào tâm trí của biết bao thế hệ người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung. Trò chuyện cùng PGS.TS Trần Lâm Biền mới thấy, qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, các di tích vẫn còn đó, và xung quanh nó, có quá nhiều điều bí ẩn. Ông Biền bảo, cái tên hồ Gươm xuất hiện mãi về sau này, còn trước đây nó mang tên Lục Thủy. Hồ rộng lớn đến mức thời Lê Trung Hưng ở thế kỷ 17 còn luyện thủy quân ở đây. Cũng vì thế, mới có những con phố mang tên Hàng Bè, Cầu Gỗ... do gắn bó với hồ. Sau này, do lịch sử phát triển, nó nhỏ dần và được gọi là hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm, gắn với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm cho rùa thần. “Nhưng thực ra, thời Lê Lợi chưa có tên là hồ Gươm và hồ Hoàn Kiếm. Mãi sau này, khi người ta tôn sùng Lê Lợi và cuộc kháng chiến chống quân Minh, dân gian dần dần dựng thành một câu chuyện mà ít nhiều lúc đó Lê Lợi đã được thiêng hóa. Và người ta cũng thiêng hóa, đồng nhất con rùa trong hồ với thần Kim Quy...”, ông Biền nói.
Nói đến các danh thắng ở hồ Gươm, ông Biền bảo, khu đền Ngọc Sơn, theo quan niệm người xưa là “núi thiêng”, là tụ điểm của sinh khí, thần khí. Mà sinh khí là đồng nhất với nơi có thần linh ở. Vì thế, mới có các công trình thờ tự để níu kéo, làm chỗ thần ngự không đi chỗ khác. Và dần dần tích tụ vào đó những nhận thức, chịu ảnh hưởng của giao thoa văn hóa, đã có thêm những tháp Bút, đài Nghiên... Về sau, nhờ các sĩ phu đã tạo nên vùng đất đậm đặc văn hóa... Chỉ cần một màu đỏ của cầu Thê Húc, theo ông Biền đã là bao nhiêu câu chuyện. Vì khu vực Ngọc Sơn là nơi tụ linh, tụ phúc, mà theo nhận thức của người xưa, vốn là tư duy nông nghiệp thì đó là ánh sáng mặt trời. “Các cư dân ở Đông Nam Á nói chung hay nhìn hướng Đông, hướng mặt trời mọc là hướng của thánh thần. Cho nên hướng đó là hướng chở thần linh tới, chở sinh khí tới. Và một sáng kiến chẳng biết từ bao giờ, nhưng rõ ràng người ta đã làm một cái cầu ở khu vực cầu Thê Húc bây giờ, không chỉ là con đường ra vào đền Ngọc Sơn, cũng không chỉ để cho sự thướt tha của những nam thanh nữ tú Hà Thành vào chơi mà chủ yếu là đón ánh sáng ban mai vào đền Ngọc Sơn, bởi cửa đền quay về hướng Nam chứ không phải hướng Đông”, ông Biền lý giải. Cũng theo lời ông Biền, ánh sáng hay sinh khí, bao giờ cũng là màu đỏ. Cứ đến bất cứ một ngôi đền hay ngôi đình nào, trung tâm lá cờ cũng là màu đỏ, tượng trưng cho thần linh ở giữa bầu trời.
Dần dần, qua sự đóng góp của nhân dân Hà Nội, cầu Thê Húc mới có lan can, và từ xa xưa cầu đã mang màu đỏ. Cái tên Thê Húc nghĩa là “nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm” hay “Ngưng tụ hào quang”. Ông Biền bảo, trong đời sống lao động, sản xuất của người Việt, khi mũi nhọn như giáo mác đâm vào con vật thì thấy máu màu đỏ chảy ra. Lúc chất đỏ ấy ngừng chảy thì con vật chết. Vì thế, chất màu đỏ đó được gọi là sinh khí, là khí sống. Người ta cũng nhận thấy một đặc điểm, máu của con vật chảy ra ở mỗi vùng một khác. Ở xứ lạnh thì có màu tươi hơn. Ở xứ nóng thì thành màu đỏ đậm. Chính biết được truyền thống như thế cho nên người Việt mình làm màu đỏ đậm cho các kiến trúc. Từ đó, người ta cho rằng, đi trên cây cầu này là đến với nguồn hạnh phúc, được thần linh chứng giám...
Tái tạo công phu
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay, trong quá trình lịch sử của mình, các công trình danh lam thắng cảnh khu vực Hồ Gươm đã nhiều lần được cải tạo. Chỉ riêng để tái hiện lại màu đỏ truyền thống của cầu Thê Húc cũng là cả một quá trình công phu. Nhờ việc tiếp xúc với nhiều di tích lịch sử khắp đất nước, PGS.TS Trần Lâm Biền là một trong nhiều chuyên gia được mời tư vấn về màu sắc cho cầu Thê Húc. Ông Biền bảo, dù đã xác định màu đỏ, nhưng màu đỏ dạng nào mới là phù hợp, độ đậm thế nào. “Lần đầu tiên họ sơn ra các thanh gỗ, cùng màu đỏ để xem các tông màu như thế nào. Xong rồi chọn đi chọn lại, rồi làm thí điểm trên một khoang cầu, một đoạn cầu ngắn xem đã chấp nhận được chưa. Nếu thấy phù hợp thì mới làm cho cả cây cầu. Làm cẩn thận lắm. Nghiên cứu màu sơn mới lâu chứ còn cấu trúc cái cầu thì sửa chữa dễ thôi”, ông Biền nói.
Ông Trương Minh Tiến chia sẻ, chỉ riêng việc sơn cầu Thê Húc cũng là một công việc phức tạp. Dù nằm trong tổng thể dự án cải tạo, chỉnh trang các di tích, thắng cảnh ở Hồ Gươm, nhưng bất kỳ công việc gì liên quan đến những yếu tố nhạy cảm, Sở đều xin ý kiến các nhà khoa học rồi chính quyền địa phương. Riêng về màu đỏ của cầu Thê Húc, ông Tiến nói, trước đây màu cầu đã là màu đỏ, lúc xin ý kiến chuyên gia cũng là màu đỏ. Mà nói đúng ra, cầu Thê Húc cũng in sâu trong tâm trí người dân là màu đỏ. “Dù thế, chúng tôi cũng phải thử nghiệm. Khi mà được rồi thì mới làm đại trà. Nó phải đúng màu đỏ theo ý nghĩa của nó để không những nổi bật ban ngày mà còn ban đêm đèn chiếu vào nữa. Nên việc chỉnh trang rất phức tạp và có giá trị”, ông Tiến nói thêm.
Lần gần nhất chỉnh sửa đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, theo ông Tiến diễn ra vào giai đoạn 2015 - 2016. Gần như là chỉnh sửa toàn bộ. Sau khi lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, Hà Nội tổ chức thi công kín đáo vào ban đêm. Đợt đó, Hà Nội cũng thay gần như toàn bộ gỗ lim lát mặt cầu. Ông Tiến bảo, lãnh đạo Sở phải xuống tận nơi kiểm tra anh em xẻ gỗ, ngâm nước thế nào, vì sợ sai sót, sau vài năm gỗ bị cong, vênh. “Chắc là sau đợt chỉnh sửa này, cầu Thê Húc sẽ vững vàng vài chục năm nữa”, ông Tiến khẳng định. Ông Tiến bảo, cùng với cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, nhiều công trình văn hóa, lịch sử ven hồ Gươm cũng đã được chỉnh trang, cải tạo. Sau khi thành phố triển khai không gian đi bộ quanh hồ Gươm, các cụm di tích này càng ngày càng phát huy giá trị...
“Hồ Gươm với cây xanh bao quanh, bản thân nó đã như một cô gái đẹp rồi. Còn Tháp rùa và Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc như vật trang sức cho cô gái đẹp đó. Mà là món đồ trang sức đích đáng, xứng tầm với cô gái đẹp ấy”.
PGS.TS Trần Lâm Biền nói