Cầu to hay di sản?

Cầu Ngự Hà (cầu Kho)
Cầu Ngự Hà (cầu Kho)
TP - Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xúc tiến dự án xây dựng lại cầu Kho và cầu Vĩnh Lợi trong Thành nội Huế, với lý do: Cầu nhỏ, tải trọng thấp, hay gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Theo đó, hai chiếc cầu cổ này sẽ được triệt giải để xây mới có tiết diện và tải trọng lớn hơn.
Cầu Ngự Hà (cầu Kho)
Cầu Ngự Hà (cầu Kho).

Mới hay tin, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình. Thành nội Huế cần những chiếc cầu to hay là phải bảo tồn di sản nghiêm ngặt?

Dưới thời Gia Long triều đình đã cho bắc một số chiếc cầu bằng gỗ để lưu thông đôi bờ Ngự Hà. Dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, nhà vua cho xây dựng lại những chiếc cầu cũ và cho xây thêm một số cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại và phương tiện vận chuyển ngày càng phát triển. Dưới mặt những chiếc cầu được xây bằng gạch, đá là cống lớn để thông thuỷ và lưu thông thuyền bè thuận lợi. Từng có mười chiếc cầu cổ bắc qua Ngự Hà.

Trong số đó có bảy chiếc cầu nằm ở bên trong kinh thành. Theo thứ tự từ đông sang tây là: Cầu Đông Thành Thuỷ Quan, cầu Ngự Hà (dân gian gọi là cầu Kho, do khu vực này có rất nhiều nhà kho của triều đình), cầu Bác Tế, cầu Khánh Ninh, Bình Kiều, cầu Vĩnh Lợi, cầu Tây Thành Thủy Quan.

Cầu Bác Tế (ở gần cầu Kho) và Bình Kiều (ở gần cầu Vĩnh Lợi) từ lâu đã không tồn tại. Không thấy tài liệu nào nói hai chiếc cầu này bị triệt giải vào năm nào. Nhiều người suy đoán nó bị sập đổ trong cơn bão lớn năm Thìn -1904.

Cầu Bác Tế do vua Thiệu Trị cho xây. Lý do là cầu Khánh Ninh đã ở trong Phương Môn của cung Khánh Ninh mới dựng, cho nên thiết lập cầu ở đường khác để thuận tiện cho người dân đi lại.

Bình Kiều nằm ở phía đông nam của cung Bảo Định; nằm trên con đường chạy thẳng từ phía hữu của Hoàng Thành (nay là đường Lê Huân) đến phía tả cung Bảo Định.

Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông nội thành, theo một số chuyên gia không nhất thiết phải phá cầu Kho và cầu Vĩnh Lợi để xây mới to hơn. Thay vào đó là tổ chức phân luồng hợp lý và nghiên cứu phục hồi lại hai chiếc cầu đã bị “biến mất” - cầu Bác Tế và Bình Kiều.

Năm 1841, khi mới lên ngôi vua Thiệu Trị đã quan tâm thiết lập cầu, đường mới để thuận tiện cho người dân đi lại. Nay không chỉ nghĩ đến việc phục hồi cầu Bác Tế, Bình Kiều mà nên nghiên cứu để bắc thêm một vài chiếc cầu nữa qua Ngự Hà, vì dân số trong khu vực kinh thành đã tăng gấp hàng ngàn, hàng vạn lần so với thời Thiệu Trị.

Vả lại, nếu xây cầu mới to hơn để giải quyết ùn tắc ở điểm này thì sẽ phát sinh ở điểm khác. Đó là ùn tắc lớn hơn ở các cửa vào – ra kinh thành, đặc biệt là ở cửa Đông Ba, ở phía đông, do bị “thắt cổ chai” nghiêm trọng hơn. Mặt khác, khi mở rộng cầu sẽ kéo theo hệ luỵ mở rộng đường.

Lúc đó nhiều ngôi biệt thự, nhà vườn sẽ bị ảnh hưởng về kiến trúc và không gian xanh. Khu vực nội thành nhà cửa sẽ bị hộp hoá với mật độ dày đặc hơn.

Việc phá bỏ một công trình kiến trúc cổ như cầu Kho và cầu Vĩnh Lợi thì trở ngại đầu tiên là vướng Luật Di sản, phải được sự đồng thuận của Bộ VHTT&DL. Và có lẽ là không thuận lòng người yêu di sản, không đạt được sự đồng thuận của UNESCO.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.