> Kẹt xe nghiêm trọng vì công trình trọng điểm bế tắc
> Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai có biện pháp khắc phục
CSGT Đồng Nai với sự giúp sức của các thành viên đội môtô của đoàn đua cũng không thể mở lối cho các tay đua thoát khỏi đám kẹt xe.
Các tay đua phải len lỏi giữa những hàng ôtô hoặc leo lên lề đường tìm cách vượt qua đám đông. Đoạn kẹt xe chỉ vài trăm mét (từ cầu Đồng Nai đến ngã ba Vũng Tàu), nhưng đoàn đua bị kẹt lại hơn 30 phút.
Chuyện đoàn đua xe bị kẹt khi qua cầu Đồng Nai được xem là hi hữu, nhưng đối với những ai qua lại trên Quốc lộ 1 thì cảnh kẹt xe ở đoạn đường này là thường ngày. Các phương tiện ra Bắc vào Nam đều phải qua cầu Đồng Nai và cây cầu già nua này đứng trước nguy cơ bị sập.
Tháng 6/2008, cầu Đồng Nai mới được khởi công xây dựng theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với việc xây dựng cầu là các hạng mục đường dẫn, hầm chui ở hai đầu cầu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương để giải quyết tình trạng kẹt xe ở nút giao thông ngã tư Vũng Tàu (Đồng Nai) và nút giao thông Tân Vạn (Bình Dương).
Cuối năm 2009, sau 18 tháng thi công cầu Đồng Nai được thông xe, nhưng đã hơn ba năm nay, những hạng mục liên quan của dự án (theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2011) vẫn ì ạch vì thiếu vốn.
Hiện tại, hai mặt cầu Đồng Nai cả mới lẫn cũ đều cho xe lưu thông khá rộng, nhưng phần mặt đường ở hai đầu cầu vẫn là nền đường cũ rất chật hẹp, do đó đoạn đường này rơi vào thế thắt cổ chai, thường xuyên xảy ra kẹt xe.
Một công trình quan trọng khác cũng được xây dựng theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ là cầu đường bộ tách khỏi đường sắt - cầu Bửu Hòa bắc qua sông Đồng Nai vào trung tâm TP Biên Hòa.
Cây cầu này cùng với hai cây cầu khác được xây dựng sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cầu Ghềnh (TP Biên Hòa) giữa tàu hỏa và hàng loạt ô tô ngày 6/2/2011. Sau hơn một năm xây dựng, ngày 27/4/2012, cầu tránh đường sắt (cầu Bửu Hòa) nối xã Hiệp Hòa với phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa) được thông xe.
Tuy nhiên, cây cầu hiện đại dài gần 500m có vốn đầu tư 578 tỷ đồng vẫn vắng phương tiện qua lại, bởi đường Đặng Văn Trơn (tuyến đường tiếp nối với cầu Bửu Hòa qua xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) vẫn là con đường nhỏ hẹp, đầy ổ gà sình lầy, do quá trình vận chuyển vật tư xây dựng cầu gây ra.
Trước kiến nghị của người dân, UBND xã Hiệp Hòa đã gửi văn bản đến UBND TP Biên Hòa và Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 (chủ đầu tư dự án cầu Bửu Hòa), kiến nghị sớm có phương án duy tu, sửa chữa tuyến đường Đặng Văn Trơn.
UBND TP Biên Hòa có công văn đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 nhanh chóng sửa chữa đường Đặng Văn Trơn. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án cầu Bửu Hòa hầu như không quan tâm tới các kiến nghị của chính quyền địa phương.
Không những thế, với lý do đã có cầu đường bộ, ngày 15/5, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 chính thức cấm tất cả phương tiện giao thông đường bộ lưu thông qua hai cầu đường sắt là cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh (TP Biên Hòa).
Thiếu vốn
Phải đến khi UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Bộ GTVT, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho phép xe máy, xe đạp và người đi bộ vẫn tiếp tục được đi qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát, ngày 28/5, Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 mới cho lưu thông một chiều trở lại qua hai cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát.
Đường Đặng Văn Trơn tiếp nối với cầu Bửu Hòa chưa được nâng cấp . |
Người dân khi đi từ trung tâm TP Biên Hòa qua xã Hiệp Hoà và phường Bửu Hoà được đi ở hành lang bên phải của hai cây cầu này. Hướng ngược lại đã được ngành đường sắt rào chắn không cho lưu thông.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3, việc cho lưu thông một chiều qua đây chỉ là tạm trong thời gian thi công đường Đặng Văn Trơn nối từ cầu Hiệp Hoà đến cầu Bửu Hoà.
Theo các chuyên gia, lẽ ra những vướng mắc này sẽ không xảy ra nếu phương án cầu và đường được triển khai đồng bộ, cầu hoàn thành thì đường tiếp nối cũng phải được triển khai xây dựng ngay.
Theo Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa, dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường Đặng Văn Trơn đến nay đang được tổ chức đấu thầu và đến tháng 7 mới bắt đầu khởi công xây dựng.
Dự kiến đến tháng 12, tuyến đường này sẽ được thông xe. Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án TP Biên Hòa, dự án gặp khó khăn do chưa đủ điều kiện bố trí vốn vào năm 2013. Vì thế, đơn vị trúng thầu phải tự ứng vốn thi công.