Đó là lời nói trong lúc hoảng loạn khi bà Ngọc phát hiện ra con trai mình đồng tính. Câu nói đó đến giờ vẫn làm bà ân hận bởi nó vô tình như nhát dao đâm vào tim đứa con ruột mà bà hết mực thương yêu.
“Tôi đã đẩy con đến bờ vực”
Bà Ngọc hiện là giáo viên của một trường trung học tại quận 3, TP.HCM. Bà luôn tự hào, nghĩ rằng mình là người hạnh phúc nhất bởi công việc suôn sẻ, con cái ngoan ngoãn. Thế rồi tới một ngày, mây đen bỗng dưng ập xuống tổ ấm nhỏ nhoi của gia đình bà.
Con trai bà Ngọc tên là Thành, sinh năm 1994, hiện đang là sinh viên, và cũng là cậu con trai duy nhất. Từ bé Thành đã khá hiền lành, nhút nhát nhưng học giỏi nên giành được sự yêu thương, quan tâm hết mực của cha mẹ cũng như những người thân.
“Mẹ con tôi như hai người bạn, có gì cũng chia sẻ. Ấy vậy mà tôi lại không nhận ra sự khác biệt về xu hướng giới tính của con. Tôi làm mẹ tốt kiểu gì vậy?”, bà Ngọc dằn vặt trong nước mắt.
Đến năm Thành 16 tuổi, một đêm nằm bên cạnh, bà thấy con khóc. Đàn ông mà khóc chắc phải có chuyện gì ghê gớm lắm, vì thế chờ con ngủ say, bà Ngọc lục lọi đồ (dù biết là không nên) để quyết tìm xem điều gì đã khiến con mình buồn.
Bà Ngọc nhớ lại phút giây đã thay đổi cuộc sống gia đình mình: “Tôi đọc tin nhắn của cháu, tay chân rụng rời suýt làm rơi chiếc điện thoại. Tôi phải ngồi dựa vào thành giường kẻo ngã mất. Đó là những lời lẽ yêu thương, giận hờn, trách cứ qua lại giữa con trai tôi với thầy giáo của nó. Tôi quay sang nhìn con ngủ mà lòng đau như cắt và ghê sợ những gì mình vừa thấy”.
Chắp ghép lại những biểu hiện bất thường của con, bà Ngọc càng trách mình sao lại vô tâm đến thế. Mọi người từng nhắc bà nên để ý sao Thành toàn chơi với con gái nhưng bà xua đi, cho rằng con trai nhiều bạn gái là…đào hoa chứ sao. Rồi có dạo Thành cứ xin phép ra đầu ngõ có việc, bà cũng chỉ ừ à.
Dù đã biết sự thật nhưng bà Ngọc vẫn im lặng, tự dối lòng mọi chuyện chỉ là cơn ác mộng. Một ngày, hai ngày…bà sẽ tỉnh dậy, con bà lại trở về như bình thường, bà vẫn là người hạnh phúc nhất.
Thế nhưng Thành vẫn xin phép mẹ ra đầu ngõ, thỉnh thoảng vẫn đưa một bạn trai về nhà chơi, nấu cơm ăn. Tới lúc này bà không thể kìm chế nổi nữa.
“Khi cháu thừa nhận mình là người đồng tính nam, tôi chạy vào bếp, cầm con dao ra đưa vào tay nó.Tôi gào lên: Thành ơi, mày giết mẹ, đâm chết mẹ đi chứ đừng để mẹ sống, đừng bắt mẹ phải chứng kiến mày như thế”, bà Ngọc kể trong dòng lệ.
Bà có thể nhìn thấy ánh mắt vừa ngỡ ngàng, vừa bị tổn thương của con trai diễn ra như thước phim quay chậm. Tôi biết mình đã đẩy con đến bờ vực...
Cả xã hội quay lưng con…vẫn còn có mẹ
Những ngày sau đó là chuỗi ngày bà Ngọc phải sống trong đớn đau bởi cho rằng mình bị phản bội, sự phản bội những kỳ vọng mà bà đã đặt ra cho cuộc đời của đứa con trai duy nhất.
Thấy mẹ hoảng loạn Thành rất sợ hãi, cậu đã kêu gào chạy theo mẹ, ôm lấy chân mẹ, cầu xin mẹ đừng làm những điều dại dột.
Đến giờ nhớ lại bà Ngọc còn ứa nước mắt về những điều Thành nói lúc đó: “Xin mẹ, mẹ ơi, hãy tin con. Con không phải đồ bỏ đi, con vẫn là con của mẹ mà”.
Đau đớn với con bao nhiêu thì bà Ngọc lại càng bối rối khi đối mặt với chồng. Kể cho chồng, trái với dự đoán của bà Ngọc, ông không hề giận dữ. Ông trầm lặng và buông một câu chán nản: “Thôi thì vợ chồng mình coi như con nó bị bệnh, chúng ta phải nuôi nó suốt đời”.
Thế rồi chồng bà Ngọc chọn giải pháp xa rời gia đình, xa rời đứa con mà ông cho là…bệnh hoạn. Bằng trái tim của một người mẹ, tức giận thế, mắng mỏ thế, nhưng oái oăm thay bà Ngọc lại thương…con quá!
Bà giấu gia đình, mọi người, nói là đi công tác để tham gia các hội thảo về người đồng tính với mục đích ban đầu gặp các chuyên gia, tìm cách chữa bệnh cho con. Khi biết đây không phải là bệnh, và không cách nào chữa được, bà Ngọc còn khóc to hơn.
Vượt qua sự đau khổ, năm 2010 bà Ngọc ghi danh vào một hội dành cho cha mẹ, người thân của người đồng tính tại Việt Nam. Từ đó, bà biết cái con bà cần không phải chữa bệnh mà cái nó cần là tình yêu thương của gia đình. Ngoài xã hội những đứa con như con của bà đã phải chịu một sự kỳ thị quá lớn lao, gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Vậy mà người mẹ như bà, lại còn làm con đau khổ hơn, chịu đựng nhiều hơn...
Bà Ngọc đã nói với con trai cũng như nhiều đứa trẻ đồng tính khác: “Một trong số các con đã hỏi mẹ, mẹ thực sự chấp nhận con là người như vậy chưa, hay nếu được thay đổi mẹ vẫn muốn con như phần lớn những người khác?
Con đừng hỏi mẹ như thế, làm sao mà thay đổi được. Nếu thay đổi được mẹ đã không ở đây với các con.
Ngay cả cuộc hôn nhân của ba mẹ cũng vì chuyện này mà đang đứng trên bờ vực của sự tan vỡ. Tuy nhiên mẹ muốn con hiểu rằng mẹ tự hào về các con. Các con không có lỗi, các con không làm hại ai và các con có quyền sống như bao người.
Để được chấp nhận các con phải cố gắng nỗ lực chứng minh năng lực của mình. Nếu có con nào bị cha mẹ chối bỏ, xin hãy hiểu cha mẹ không chối bỏ các con. Các con vẫn là con của cha mẹ dứt ruột đẻ ra. Có chăng là do cha mẹ chưa chuẩn bị kịp tâm lý nên bị sốc mà thôi”.
Theo Hội dành cho cha mẹ, người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam (PFLAG), tỷ lệ người đồng tính, song tính chiếm từ 5% - 10% dân số loài người.
Nhiều nỗ lực của hội đang được tiến hành nhằm tác động đến các nhà làm luật, tạo ra cơ chế hỗ trợ, giúp những người đồng tính, song tính, chuyển giới không còn bị kỳ thị, được sống bình đẳng như bao người khác.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.