Câu cá ở nhà giàn

Câu cá ở nhà giàn
TP - Sống ở nhà giàn DK1 giữa biển, buông câu bắt cá đại dương là một nét sinh hoạt thường ngày khoáng đạt, thơ mộng của chiến sỹ Hải quân.

> Phòng câu lạc bộ trên nhà giàn DK1

Chú cá thu hơn chục ký Ảnh: VĐ
Chú cá thu hơn chục ký. Ảnh: VĐ.

Tối 31-12-2011, các chiến sỹ nhà giàn DK1/21 ở cụm Ba Kè trên thềm lục địa phía Nam chộn rộn đón tàu HQ 608 của đoàn công tác Vùng 2 Hải quân đến chúc Tết.

Trung úy Phạm Văn Đồng và đồng đội Ngô Đức Hạ quyết tâm câu cá to đãi khách và nhắm những con cá nhồng tinh khôn, khó câu, gần đây hay xuất hiện quanh nhà giàn.

Mồi câu là cả con cá kìm dài độ nửa mét, nặng mấy trăm gram, được tung ra cách nhà giàn khoảng trăm mét. Ống cước câu néo vào lan can nhà giàn cùng một ống sắt gắn phía trên làm hiệu.

Sau khoảng 30 phút, ống sắt rơi xuống, trung úy Đồng và Hạ lao ra giật cá và dìu vào. “Đúng ngay con cá nhồng. Nó vật dữ quá”, trung úy Đồng vừa giữ dây cước vừa nói. Chú cá giật hùng hục nên anh Đồng phải thả cước dài ra.

Đợi nó mệt lử, anh Đồng dìu vào bờ. Đồng đội chạy ra dùng chiếc khấu (móc sắt) bén ngọt móc vào kéo lên. Chú cá nhồng cân được 14 kg, thuôn dài giống cá trắm nước ngọt, nhưng thịt chắc hơn. Nhà giàn DK1/21 liên hoan rôm rả với món cá nhồng chiên đãi khách.

Những lát cá lớn thớ dày vàng rộm, thịt vừa ngọt vừa béo. Trung úy Phạm Văn Đồng cho biết, ở nhà giàn DK1/21, ngoài cá nhồng, các anh thường câu được cá hồng, cá mú, nhiều loại cá thu trong đó cá thu bè có con nặng 50-70 kg.

Giật cá sái tay

Khấu sắt kéo cá nhồng
Khấu sắt kéo cá nhồng.

Trung úy Trương Công Định ở nhà giàn DK1/10 cho biết, câu cá ở nhà giàn có hai loại: câu nổi và câu đáy. Câu nổi là thả mồi từ độ sâu 7-10 mét trở lên mặt nước, còn câu đáy là dùng những chì gắn sát lưỡi câu để đưa mồi xuống sát đáy biển mấy chục mét.

Câu nổi có thể dùng mồi giả với những sợi kim tuyến lóng lánh hoặc túi bóng kéo rê trên mặt nước, khiến cá tưởng con mồi bơi theo đớp. Cá ăn nổi thường là cá thu, ngừ đại dương. Còn cá ăn đáy gồm nhiều loại: cá sọ dừa, cá mú, chép biển…

Cả hai loại câu này đều không dùng cần, chỉ có lưỡi câu và một cuộn cước dài khoảng 200 mét. Một cuộn cước có thể gắn nhiều lưỡi, cách nhau khoảng 20 cm. Lưỡi câu có nhiều loại, trong đó lưỡi to nhất là thép inox lớn bằng chiếc đũa.

Nhìn sợi cước câu căng như dây đàn dưới những ngọn sóng, tôi thắc mắc: “Làm sao biết cá cắn câu?”. Trung úy Trương Công Định giải thích: “Người câu cảm nhận ở ngón tay điều chỉnh sợi cước. Không khó lắm, nhưng muốn câu giỏi cũng cần kinh nghiệm”. Cá cắn câu rồi, muốn bắt được cũng dễ.

Theo các tay “sát cá” ở DK1, khó nhất là dìu cá vào sát nhà giàn. Sợi cước câu phải được buông vừa phải, dài quá cá lớn sẽ quẫy lên giật đứt còn nếu giữ căng quá, cước cắt đứt tay người câu.

"Hiện, cụm nhà giàn Tư Chính là nơi nhiều cá nhất. Tiếp đó là khu vực nhà giàn Phúc Nguyên. Hồi trước, có khi chỉ trong 3 giờ đồng hồ, tôi câu được 40 con cá thu bè” - Đại úy Phạm Khắc Sinh

Anh Định xòe bàn tay còn in nhiều vết sẹo dài khi câu cá. Anh kể có lần câu được cá thu bè khoảng 40 kg, anh và đồng đội mất gần một giờ mệt lử mới dìu được nó vào gần nhà giàn để bắt.

Khi những loại cá lớn cỡ chục ký thì các tay câu phải kéo rất nhanh, bởi chỉ một chút chần chừ, mấy con cá nhồng tinh quái, có con nặng cả trăm ký có thể nhảy lên đớp mất.

Trung úy Định kể, có lần câu dính được con cá thu nặng khoảng 3 ký, anh vừa kéo lên khỏi mặt nước, một con cá nhồng lao tới nhe bộ răng sắc nhọn, lởm chởm như lưỡi cưa đớp mất thân con cá thu, mắc vào lưỡi câu chỉ còn trơ cái đầu xương lủng lẳng.

Nhẹ nhàng hơn là câu mực. Ở khu vực nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau), rọi đèn xuống biển là mực kéo đến. Các chiến sĩ dùng một con tôm giả cùng một chùm lưỡi câu không có ngạnh thả xuống, mực lao vào và dính.

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có 15 nhà giàn, chỗ nào cũng câu được nhiều cá. Từ trên nhà giàn DK1/21 nhìn xuống vùng nước biển trong xanh xung quanh, tôi tưởng tượng đó là bể cá lớn với hàng trăm loại bơi lượn trên mặt nước.

Đại úy Phạm Khắc Sinh, từng hàng chục năm gắn bó với nhà giàn, hiện công tác trên tàu HQ 608 tiết lộ: “Hiện nay, cụm nhà giàn Tư Chính là nơi nhiều cá nhất.

Tiếp đó là khu vực nhà giàn Phúc Nguyên. Trước đây, có khi chỉ trong 3 giờ đồng hồ, tôi câu được 40 con cá thu bè”. Hai cụm nhà giàn này ở khu vực biển sâu, là nơi trú ngụ, kiếm mồi của nhiều loại cá như: thu bè, chép biển, cá mú, cá kìm…

Sau Tết Nguyên đán, khi biển lặng sóng, cá kéo đến nhung nhúc, nhất là cá kìm. “Lúc này không cần câu nữa mà chuyển sang giật cá. Có khi giật cá sái cả tay”, đại úy Sinh cười nói.

Các chiến sỹ thường dùng hai lưỡi câu gắn quay lưng vào nhau ném ra xa rồi giật vào giữa bầy cá. Có khi hai người giật một ngày được cả tạ. Cá kìm bán ở thành phố Vũng Tàu từ 30-40 ngàn đồng/kg.

Cá cho ngư dân, cá cho tương lai

Đại úy Sinh câu cá trên nhà giàn DK1/21
Đại úy Sinh câu cá trên nhà giàn DK1/21.

Cá là nguồn thực phẩm tươi quan trọng với chiến sỹ nhà giàn nên nhà giàn nào cũng thủ sẵn hàng chục cuộn cước câu. Ngoài giờ làm việc, các chiến sỹ hào hứng buông câu.

“Mùa nào cũng vậy, nếu chịu khó một chút, các nhà giàn có cá dùng thoải mái”, đại úy Phạm Khắc Sinh cho biết. Có khi chiến sỹ nhà giàn câu cá với nồi nước sôi sùng sục xung quanh.

Câu được cá, họ sơ chế rồi luộc ngay, cùng ăn tại chỗ, chuyện trò rôm rả. Các chiến sĩ còn dùng cá làm nước mắm, phơi khô, làm ruốc bông, phần để tích trữ, phần dành làm quà cho người thân ở đất liền.

Chiến sỹ nhà giàn rất mê câu cá. Trung úy Phạm Văn Đồng kể, chỉ một tiếng hô cá to cắn câu cất lên là anh em ở nhà giàn ùa tới kéo cá, niềm vui sướng không thể tả. Theo trung úy Đồng, cá biển khỏe gấp nhiều lần cá sông nên bắt được cá biển lớn đồng nghĩa với cuộc chinh phục đầy hào hứng.

“Những lúc sóng lớn, chúng tôi đứng trên nhà giàn câu cá lại thương ngư dân mình. Ước gì họ được trang bị những chiếc tàu lớn, đầy đủ phương tiện để ra khơi đánh bắt dài ngày”, giọng trung tá Chu Trọng Hiển, Chính trị viên nhà giàn DK1/21 đang vui bỗng chùng xuống khi chỉ tay về phía những chiếc thuyền cá như chiếc lá bập bềnh trên sóng xa xa.

Tàu thuyền đánh cá từ Cà Mau, Bạc Liêu…mất vài ngày đêm mới ra đến vùng bãi cạn Cà Mau, nhưng chỉ đánh bắt khoảng chục ngày là phải trở về bởi thiếu nước ngọt, dầu, khó khăn bảo quản cá. Vì thế khu vực Ba Kè cá nhiều, nhưng ít thuyền ngư dân đến đánh bắt.

Từ nỗi thấu hiểu đó, trung tá Hiển kể dù nước ngọt, rau xanh quý như vàng nhưng mỗi lần bà con ngư dân đến, các chiến sỹ nhà giàn sẵn lòng sẻ chia.

Cách đây vài tháng, một ngư dân Bạc Liêu bị lưỡi câu móc vào lòng bàn tay nhiễm trùng rất nặng, đã được quân y nhà giàn DK1/21 phẫu thuật, giúp thuốc men cứu chữa.

Đại úy Phạm Khắc Sinh trầm ngâm: “Ở khu vực nhà giàn, cá vẫn nhiều, nhưng so với trước đây đã giảm đáng kể. Mong sao Nhà nước có chính sách tốt, giúp việc đánh bắt hiệu quả lại giữ được nguồn lợi hải sản dành cho những thế hệ tương lai”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG