Cắt tay kẻ thù
Lần đầu tiên, một chứng cứ hết sức rõ ràng về những bàn tay chiến tích đã được tìm thấy tại thành phố cổ Ai Cập.
Hai trong số bàn tay được tìm thấy. Ảnh: Viện Khảo cổ học Áo. |
Giống như tập tục ghê rợn lột da đầu của chiến binh da đỏ, hoặc chuyện xẻo mũi khi quân Nhật xâm lược Hàn Quốc vào thế kỷ 16, việc thu thập các bộ phận cơ thể quân địch thời xưa được xem là hành động chứng tỏ lòng dũng cảm của binh lính thuộc các triều đại từ Đông sang Tây. Và một lần nữa, hành vi dã man này lại được phát hiện vào thời Ai Cập cổ đại.
Khi khảo sát một cung điện tại thành phố cổ Avaris (Ai Cập), các chuyên gia đã tìm thấy chứng cứ đầu tiên của tập tục cắt tay kẻ thù. Tổng cộng có 16 bàn tay người bị chôn trong 4 cái hố. Hai hố nằm trước phòng ngai vàng chứa 1 bàn tay/hố. Hai hố còn lại chứa 14 bàn tay. Tất cả đều là tay phải, không có tay trái.
“Hầu hết các bàn tay đều khá lớn, và một số rất lớn”, Manfred Bietak, Giám đốc dự án khai quật tại Avaris cho biết.
Phát hiện trên, tại khu vực đồng bằng Nile ở phía đông bắc Cairo, có niên đại khoảng 3.600 năm.
Lúc đó là thời đại của người Hyksos, dân tộc được cho là khởi nguồn từ miền bắc Canaan, kiểm soát một phần Ai Cập và đặt thủ đô tại Avaris, nơi hiện nay là Tell el-Daba. Vào thời điểm những cánh tay trên được chôn trong hố, cung điện này là nơi trị vì của vua Khayan.
Cuộc chiến giữa người Hyksos với người Ai Cập phản ánh trên hình khắc. Ảnh: Wikipedia. |
Theo ghi chép của người xưa, hành động cắt tay của giới binh sĩ một phần xuất phát từ tiền thưởng. Một bàn tay của kẻ địch có thể giúp họ được thưởng vàng, chuyên gia Bietak giải thích trong chuyên san Egyptian Archaeology.
Ông Bietak cho biết đây là chứng cứ có niên đại cổ nhất và cũng là duy nhất về tập tục thu thập chiến tích này.
“Mỗi cái hố tượng trưng cho một nghi lễ”, chuyên gia này nói. Việc cắt tay phải không chỉ giúp binh sĩ dễ dàng kiểm soát thành tích của mình, mà nó còn là hành động biểu tượng tước đoạt sức mạnh của kẻ thù.
“Bạn tước bỏ sức mạnh của hắn mãi mãi”, Bietak giải thích. Vẫn chưa rõ những bàn tay thuộc về ai, có thể là của người Ai Cập hoặc kẻ đối địch của người Hyksos ở vùng Cận Đông. Điều này do tục cắt tay phải của kẻ thù đều được cả người Hyksos lẫn người Ai Cập thay nhau áp dụng.
Trước đây, giới khảo cổ học từng đọc được thông tin về chuyện cắt tay địch thủ trên tường ngôi mộ của Ahmose, con của Ibana, người Ai Cập đấu tranh chống lại Hyksos.
Được viết khoảng 80 năm sau so với thời điểm các hố chôn tay được phát hiện, một phần nội dung của những dòng chữ này như sau: “Khi đấu tay đôi, tôi lấy đi một bàn tay. Nó được trình lên để được hoàng gia tưởng thưởng”.
Sau đó, trong chiến dịch chống người Nubia ở phương nam, Ahmose lấy được 3 cánh tay và được thưởng gấp đôi số vàng theo lệ thường. Các chuyên gia vẫn chưa rõ tập tục ghê rợn trên bắt nguồn từ đâu. Chẳng hề có ghi chép nào về nó ở nơi nhiều khả năng là quê hương của người Hyksos, tức miền bắc Canaan.
Công trình khảo cổ tại Tell el-Daba là dự án chung của Viện Khảo cổ học Áo và Viện Hàn lâm khoa học Áo.
Theo Hạo Nhiên
Thanh Niên