Điểm nóng sạt lở
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thẩm Bá Phước - Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, huyện Long Biên, Hà Nội cho biết, địa bàn phường gắn liền với sông Hồng và sông Đuống, từ lâu đã trở thành điểm nóng về sạt lở đất.
Theo ông Phước, UBND thành phố Hà Nội đang nghiên cứu dự án quy hoạch vùng bãi sông Hồng và sông Đuống, trong đó có đề cập đến việc di dân. Dự kiến trên địa bàn phường Ngọc Thụy có khoảng 426 công dân, tương đương khoảng 50 hộ gia đình phải di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2006, tình trạng sạt lở xảy ra tại tổ 2 khiến 4 nhà tạm cấp 4 trôi sông. Năm 2007, tiếp tục xảy ra sạt lở tại các hộ dân thuộc tổ 1, 2, 8 và 9, khiến chính quyền phải di dời người dân đến trụ sở UBND phường Ngọc Thụy lánh nạn.
Trong năm 2008, nhà cửa, sân vườn của nhiều hộ dân thuộc phường Ngọc Thụy đã không dưới 3 lần bị “kéo” xuống sông Hồng và sông Đuống, đặc biệt là khu vực tổ 37 và 38.
Vào thời điểm này, sạt lở diễn biến liên tiếp đã “kéo” 50 m2 đất, nhà hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hùng xuống dòng sông Đuống. Hộ liền kề Nguyễn Hữu Thư bị nước cuốn trôi 40 m2 đất sân vườn và gần 30 m2 bếp, chuồng lợn…
Đến tháng 7/2012, tình trạng sạt lở tái diễn khiến toàn bộ khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Bá Dũng tổ 38, trôi sông để lại một hố sâu lớn, kéo dài hàng chục mét. Vào tháng 8/2013, một số nhà cửa, ruộng vườn của người dân thuộc khối Đuống thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) bị trôi sông, trong đó có tới 80 hộ nằm ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở.
Theo một số người dân sinh sống khu vực ven sông Hồng và sống Đuống, nguyên nhân chính khiến nhà cửa bị trôi sông là do nạn cát tặc hoành hành. Điều đáng nói, người dân đã nhiều lần phản ánh sự việc tới chính quyền nhưng chưa được xử lý triệt để hoàn toàn.
Khai thác sai vị trí được cấp phép?
Cũng theo ông Thẩm Bá Phước, phường nhận được nhiều đơn thư tố cáo của người dân liên quan đến nạn cát tặc. Vào năm 2014, 2015, Công an phường Ngọc Thụy đã xử lý một số vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn, tuy nhiên thời gian gần đây doanh nghiệp Dũng Hoa báo cáo có giấy phép khai thác, nạo vét.
Theo đó doanh nghiệp Dũng Hoa sẽ được khai thác tại khu vực sông Hồng thuộc địa bàn các tổ 8, 9, 10 (đúng vào vị trí xảy ra sạt lở vào năm 2006, 2007). Ông Phước cho biết đã đề nghị doanh nghiệp khi tiến hành nạo vét phải có văn bản thông báo với phường và phải cắm mốc, treo phao.
Ghi nhận của PV tại hiện trường cho thấy, khu vực các tàu hoạt động hút cát đều không được cắm mốc, treo phao. Ngoài ra, so sánh hồ sơ với thực địa, doanh nghiệp đã khai thác không đúng vị trí được cấp phép. Trong khi đó, Trạm Quản lý đường sông số 4 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) được cắm chốt tại khu vực tổ 36 cách địa điểm cát tặc hoạt động chỉ chừng 200 m.
Ông Hoàng Minh Toàn - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, hầu hết các đơn vị khai thác trên sông Hồng đều thuộc dạng... cát tặc.
Theo ông Toàn, ngoài các giấy phép khảo sát, khai thác… doanh nghiệp phải có phiếu nộp thuế tận thu khoáng sản theo khối lượng khảo sát, lúc đó mới được Cục Đường thủy nội địa bàn giao cắm mốc, treo phao. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đều không thực hiện được do không có cơ quan nào đứng ra thu thuế tận thu khoáng sản.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 25/2/2015, UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp tư nhân Dũng Hoa cùng các điều khoản kèm theo trong đó có nghĩa vụ nộp tiền khai thác khoáng sản, các khoản thuế, phí có liên quan. Giấy phép của doanh nghiệp Dũng Hoa được hoạt động đến hết ngày 30/4/2015.