Cát Lái “vỡ trận”

Kẹt xe trước cảng Cát Lái (quận 2) kéo dài đến cầu Phú Mỹ (quận 7).
Kẹt xe trước cảng Cát Lái (quận 2) kéo dài đến cầu Phú Mỹ (quận 7).
TP - Tình trạng tăng trưởng “nóng” của cảng Cát Lái không chỉ tạo điểm nghẽn trong vận tải hàng hóa mà còn gây nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân khiến lãnh đạo TPHCM phải xin phân phối tàu đến cảng khác.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, công suất cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM) mới chạm ngưỡng 36 triệu tấn hàng/năm, song mới đến năm 2015, cảng này đã xếp dỡ 49 triệu tấn hàng hóa (vượt 36%) và không ngừng tăng cao với tốc độ tăng trưởng hằng năm 20-30%.

Đường hỏng, giao thông ùn ứ

Chiều 17/7, dưới cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, hàng trăm xe đầu kéo container nối đuôi trên trục đường Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống dẫn vào cảng Cát Lái. Đoạn đường qua khu vực nút giao Mỹ Thủy bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường in hằn vệt bánh xe, trồi nhựa tạo ra các rãnh sâu ngập nước như ruộng bậc thang.

Tình trạng hư hỏng tương tự cũng đang diễn ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua công viên văn hóa lịch sử TPHCM. Xe tải nặng, đầu kéo container qua lại với mật độ cao đã “cày xới”, để lại nhiều rãnh sâu trên mặt đường, các phương tiện qua lại thường bị rung lắc như muốn lật nhào.

Anh Hiển (36 tuổi, lái xe DNTN vận tải Công Thành) cho biết, mỗi khi đến các cung đường này, các lái xe phải chạy thật chậm, điều khiển cho bánh xe đi đúng vệt lún, nếu không xe sẽ rung lắc. Sơ sểnh là cả thùng container cao nghệu đổ xuống gây tai hoạ cho người đi đường.  

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kể, hơn 10 năm trước, khi ông còn là bí thư quận 2, cung đường Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống chỉ có 12.000 lượt xe/ngày. “Hôm rồi tôi cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống kiểm tra, con số đã vọt lên 24.000 lượt xe container/ngày. Hơn 60% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở TPHCM xảy ra tại các quận cửa ngõ. Bị thương thì ít, chết thì nhiều. Như đường Đồng Văn Cống cứ xảy ra TNGT là chết người”, ông Phong nói.

Ngoài TNGT, cảng Cát Lái (khu vực vòng xoay Mỹ Thủy) cũng đang là điểm “đen” về ùn tắc giao thông của TPHCM. Một số lái xe cho biết, cao điểm kẹt xe thường rơi vào các ngày từ thứ Tư đến thứ Sáu hằng tuần, kéo dài từ 16h chiều đến tận 6h sáng hôm sau. Xe tải, xe máy xếp hàng dài nhiều cây số và thường xảy ra tình trạng chen lấn, vượt ẩu gây nguy hiểm cho người đi đường.

Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM nói rằng, kẹt xe từ nửa giờ đến 2 giờ trên cung đường Mai Chí Thị – Đồng Văn Cống là chuyện thường ngày, trong đó đáng lưu ý là vụ kẹt xe kéo dài hơn 16 giờ vào ngày 7/6 vừa qua, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải và làm xáo trộn đời sống người dân trong khu vực.

Theo chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tân cảng Cát Lái có 8 cầu cảng, có thể tiếp nhận đồng thời 10 tàu container. Trung bình hằng tuần, cảng Cát Lái đón 70 lượt tàu, chiếm hơn 90% thị phần container toàn miền Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đạt mức tăng trưởng 20%.  

Vỡ quy hoạch

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, cảng Cát Lái là điểm nóng về ùn tắc giao thông. Đây là cảng biển quan trọng nhất của TPHCM. Theo quy hoạch đến năm 2020, cảng Cát Lái đạt công suất xếp dỡ 36 triệu tấn hàng/năm nhưng thực tế đến năm 2015, cảng đã đạt công suất 49 triệu tấn hàng, vượt công suất thiết kế, khiến tình trạng ùn tắc gia tăng, diễn biến phức tạp.

“Số lượng xe tải rất đông. Dù các trục đường đã mở rộng như đại lộ Mai Chí Thọ mở đúng lộ giới 100m, đường Nguyễn Thị Định rộng 60m… Các nút giao thông khác mức đang làm nhưng do lượng hàng qua cảng tăng quá nóng nên gây ùn tắc. Hiện nay, TPHCM đang mở rộng cảng sang sông Đồng Nai, cảng Phú Hữu, cảng Hiệp Phước để giảm kẹt xe khu vực cảng Cát Lái”, ông Cường cho biết.

Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cũng chỉ ra một số bất cập dẫn đến hàng qua cảng Cát Lái tiếp tục tăng mạnh. Với hàng hóa trung chuyển xuống cảng Hiệp Phước, Cái Mép – Thị Vải, thay vì dùng đường bộ, nhiều chủ hàng lại cho xe tải đưa đến cảng Cát Lái rồi dùng sà lan đưa về Hiệp Phước, Cái Mép – Thị Vải, gây quá tải đường bộ khu vực dẫn vào cảng Cát Lái.

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, Bộ GTVT cần điều phối lại việc giao nhận hàng của các cảng, điều tiết lưu thông hàng hoá nhằm giảm mật độ xe. Cảng Cát Lái đã vượt xa công suất quy hoạch đến năm 2020, gây kẹt xe, quá tải hạ tầng giao thông. Trong khi đó, cụm cảng trung chuyển Cái Mép – Thị Vải được Bộ GTVT đầu tư bài bản hàng nghìn tỷ đồng nhưng mới chỉ đạt 20 - 30% công suất thiết kế.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Hàng hải (Bộ GTVT) cho biết, từ tháng 8/2013, Bộ GTVT đã xây dựng đề án khai thác nhằm điều phối sản lượng hàng hoá cho các cảng. Đến năm 2016, đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đề án được duyệt, TPHCM không được xây mới cảng, không triển khai (giai đoạn 2) cảng Bến Nghé và chỉ được phép mở cảng Phú Hữu (quận 9) nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái. Nhưng qua khảo sát, hơn 60% hàng hoá từ cảng Phú Hữu được sà lan chở về cảng Cát Lái nên việc giảm tải không hiệu quả. Vì vậy, Bộ GTVT đã “cắt” quy hoạch mở rộng (giai đoạn 2) cảng Phú Hữu.

“Lượng hàng hóa cảng Cát Lái xếp dỡ năm 2016 tăng 30% so với năm 2015 (49 triệu tấn). Cục đã đồng ý cho một doanh nghiệp xây dựng bến xếp dỡ hàng tại khu vực Ngã ba Đèn Đỏ trên sông Sài Gòn nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái”, đại diện Cục Hàng hải cho biết.

Theo Sở GTVT, TPHCM đã triển khai nhiều dự án cấp bách để giải vây cho cảng Cát Lái như dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy hơn 800 tỷ đồng đã thông xe gói thầu xây dựng cầu Kỳ Hà 2. Còn gói thầu xây cầu vượt trên đường Võ Chí Công và hầm chui rẽ trái về đường Nguyễn Thị Định dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2017.

Ngoài ra, TPHCM đã chi 432 tỷ đồng xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2; đầu tư 5.732 tỷ đồng xây dựng đường nối từ cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái (xa lộ Hà Nội); chi 1.324 tỷ đồng xây dựng đường nối Bình Thái - Phạm Văn Đồng; chi 2.955 tỷ đồng xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1; đầu tư hơn 800 tỷ đồng xây dựng đường song hành với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, 250 tỷ đồng cải tạo tuyến đường vành đai phía đông (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc)…

MỚI - NÓNG