Cắt giảm 2/3 thủ tục hành chính gói 26.000 tỷ hỗ trợ người lao động

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đã thống nhất có chủ trương hỗ trợ lao động tự do. Ảnh: BHXH
Chính phủ đã thống nhất có chủ trương hỗ trợ lao động tự do. Ảnh: BHXH
TP - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH gói hỗ trợ lần này sẽ góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch. Cùng với đó, các thủ tục hành chính cũng giảm tới 2/3 để người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Hỗ trợ giáo viên thất nghiệp, trẻ em bị COVID-19

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1/7, Bộ trưởng Bộ Lao động, LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Mục tiêu của nghị quyết là tập trung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Theo ông Dung, so với gói hỗ trợ trước, thủ tục hành chính của gói hỗ trợ lần này đã giảm tới 2/3.

Về nội dung nghị quyết, ông Dung cho biết, có 12 nhóm chính sách để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ một lần từ 1,8 - 3,7 triệu đồng/người. Đối với người lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế, hoặc trong các khu vực bị phong tỏa được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người. Người lao động đang mang thai, hoặc nuôi con nhỏ và trẻ em đang điều trị COVID-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Nghệ sỹ, lao động tự do cũng được hỗ trợ

Theo Nghị quyết, hỗ trợ một lần 3,7 triệu đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 1/5.

Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ một lần 3,7 triệu đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch. Các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên để phòng, chống dịch cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc hỗ trợ người lao động tự do, ông Dung cho biết, thực tiễn vừa qua, việc triển khai gói hỗ trợ đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có những tổ trưởng dân phố nói, phải đi tới 8 - 9 lần, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được, vì lao động tự do biến động thường xuyên, nay đây mai đó, rồi phải lấy xác nhận giữa nơi ở với nơi cư trú…

Sau khi làm việc với TPHCM, Hà Nội và một số đơn vị có đông lực lượng lao động tự do, đều nhận được sự ủng hộ thống nhất. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thống nhất có chủ trương hỗ trợ nhóm đối tượng này. Theo ông Dung, địa phương căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, xác định mức tiền… “Chúng tôi thấy cách xử lý như vậy sẽ hợp lý hơn. Chính phủ đưa ra quy định mức sàn tối thiểu, phải hỗ trợ là 1,5 triệu/tháng; tối thiểu không dưới 50.000 đồng/ngày. Nếu địa phương hỗ trợ trên 50.000 đồng/ngày thì càng hoan nghênh”, ông D. nói.

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ một lần từ 1,8 - 3,7 triệu đồng/người.

MỚI - NÓNG