Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, sự cố xảy ra thời điểm đầu giờ chiều ngày 15/4 trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG), phân đoạn S1.7 (từ BU6 rẽ nhánh cập bờ Đà Nẵng đến BU7 rẽ nhánh cập bờ Thái Lan), cách trạm cập bờ Singapore khoảng 910km, gây gián đoạn toàn bộ dịch vụ kết nối quốc tế trên tuyến cáp này.
Sự cố này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ internet đi quốc tế của các nhà mạng tại Việt Nam. Hiện chưa có kế hoạch và lịch trình sửa chữa.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của sự cố, đại diện nhà mạng VNPT cho biết, đã có phương án chuyển lưu lượng quốc tế sang hướng khác đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Đại diện Viettel cho biết, sự cố mất dung lượng trên tuyến cáp APG nằm trong kịch bản dự phòng của Viettel. Khi xảy ra sự cố, lưu lượng đã được định tuyến tự động, tối ưu, chia tải vào giờ cao điểm qua các tuyến cáp biển khác như TGN-IA; AAE-1, AAG và cáp đất liền kết nối đi quốc tế, nên chưa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của khách hàng. Nhà mạng này đang tiếp tục phối hợp làm việc với Ban quản trị, vận hành tuyến cáp biển APG để có thông tin cập nhật liên tục về kế hoạch sửa chữa sự cố trên.
Đây là lần đầu tiên trong năm 2022, tuyến cáp APG gặp sự cố. Trước đó trong năm 2021, tuyến cáp này đã 4 lần gặp sự cố, gần nhất là sự cố xảy ra vào các ngày 5/12 và 13/12 trên hai hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong (Trung Quốc). Mất đến gần 3 tháng, vào cuối tháng 2/2022, việc sửa chữa và khôi phục dung lượng mới được hoàn thành.
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành giữa tháng 12/2016, có chiều dài khoảng 10.400 km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.