Cấp phép lái xe điện, xe dưới 50 phân khối: Làm thế nào để bớt phiền hà, tốn kém?

Nhiều học sinh THPT đi xe máy, xe đạp điện đến trường ảnh: Nguyễn Linh
Nhiều học sinh THPT đi xe máy, xe đạp điện đến trường ảnh: Nguyễn Linh
TP - Dự kiến, người điều khiển xe máy có dung tích xy-lanh dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW sẽ phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A0. Nhiều chuyên gia, phụ huynh đánh giá, điều này sẽ giúp nâng cao ý thức tham gia giao thông của học sinh, nhưng việc đào tạo, cấp giấy phép nên đơn giản, giảm chi phí.

Nâng cao ý thức tham gia giao thông

Theo chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, người đủ 16 tuổi trở lên sẽ được cấp GPLX hạng A0. Quy định này nếu được hiện thực hóa sẽ tác động đến hàng chục triệu người, chủ yếu là học sinh và người già.

Sáng 23/12, theo ghi nhận của PV Tiền Phong ở một số trường THPT tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa (Hà Nội) sau giờ tan học, nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở quá người quy định, đi xe sai làn, qua đường không bật xi nhan, vượt đèn đỏ, không giảm tốc độ khi gặp các ngã rẽ gần cổng trường. Nhiều học sinh THPT đi xe máy dưới 50 phân khối, xe đạp điện với tốc độ trên 30km/h.... Theo quy định hiện hành, người đi các loại xe này không cần GPLX.

Đang chờ phụ huynh đến đón sau giờ tan trường, em Nguyễn Văn Nam (16 tuổi, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình) nói: “Em nghĩ việc thi bằng lái A0 là cần thiết. Hiện rất nhiều bạn phóng xe ra đường nhưng không hề biết một tí gì về biển báo, về các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Như em, nhiều lúc đi không hiểu biển báo, đến khi bị xử phạt mới biết mình phạm luật gì, bị lỗi gì. Ngoài ra, bằng lái xe sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông, xóa bỏ tình trạng học sinh chỉ sợ CSGT bắt phạt, sợ trường hạ hạnh kiểm mới tuân thủ quy định khi lái xe”.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Thanh, học sinh Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân) nói, nếu sắp tới được phép thi lái xe, sẽ tham gia một vài khóa học lý thuyết về an toàn giao thông, còn về kỹ năng lái xe, sẽ nhờ người thân tập để có thể lấy được bằng. “Việc có những hiểu biết cơ bản về an toàn giao thông sẽ giúp chúng em an toàn hơn khi tham gia giao thông. Do bố mẹ khá bận rộn nên khi có bằng lái xe, chúng em sẽ chủ động hơn, không phải chờ người đưa đón”, Thanh nói.

Nên học và thi đơn giản

Chị Lê Thị Thu (trú tại quận Hà Đông, có con đang học lớp 10) cho rằng, việc thi lấy bằng lái khi điều khiển xe máy điện, xe dưới 50 cm3 là hoàn toàn cần thiết. Cơ quan chức năng nên có phương án khoa học để các em có thể sắp xếp giữa việc học ở trường và học thi bằng lái. “Việc thi bằng sẽ giúp các con có những hiểu biết cơ bản, khi tham gia giao thông sẽ an toàn hơn cho bản thân cũng như người xung quanh. Xã hội hiện đại, đa số phụ huynh đều bận mưu sinh không có nhiều thời gian đưa đón”, chị Thu nói.

Cô Nguyễn Thu Trâm, giáo viên Trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông), cho rằng, điều quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để học sinh thấy được ý nghĩa của sự hiểu biết về an toàn giao thông, chủ động trong việc học luật và tham gia thi lấy bằng lái xe. “Thay vì cấm, để các con lén lút lái xe, gây nguy hiểm cho người khác thì hợp pháp hóa để các em tự nguyện và nhận thức việc trang bị kiến thức tham gia giao thông là điều nên làm”, cô Trâm nói.

Tuy nhiên, Anh Đăng Thịnh (trú tại quận Đống Đa) cho rằng, việc thi lấy bằng lái A0 là không cần thiết, mất thời gian và tốn kém tiền bạc cho phụ huynh. “Học sinh 16 tuổi phải học, đi thi lấy bằng A0, sử dụng được 1-2 năm, khi đủ 18 tuổi lại phải thi bằng A1, tốn kém về thời gian và tiền bạc. Theo tôi, vấn đề quan trọng ở đây là nâng cao ý thức cá nhân, chứ đi học rồi đi thi mà không tự ý thức cũng không có tác dụng”, anh Thịnh nói.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, việc đào tạo, cấp bằng A0 hiện nay chỉ mới thông qua chủ trương, để thực hiện, cần phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Theo bà Hiền, hiện nay, xe máy 50 phân khối có tốc độ nhanh, đặc biệt việc kiểm soát công suất, tốc độ của xe máy điện, xe đạp điện, nhất là xe nhập khẩu của Trung Quốc rất khó khăn.

Chương trình đào tạo, sát hạch ra sao sẽ được nhiều bộ, ngành bàn thảo. Bà cho rằng, quá trình đào tạo cần thuận lợi, giảm tối đa thời gian học tập trung, giảm chi phí nhưng vẫn đạt được hiệu quả. Đặc biệt, cần “làm chặt” khâu sát hạch để đảm bảo kiểm soát hiệu quả đào tạo.

“Theo tôi, nên đào tạo lồng ghép trong chương trình học ở trường, qua mạng internet để giảm thời gian và chi phí cho người học. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao ý thức, cho các em học sinh có thêm kỹ năng lái xe, để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác”, bà Hiền nói.

Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (vừa được Thủ tướng phê duyệt) quy định: Đào tạo, cấp GPLX cho người điều khiển xe máy có dung tích xi- lanh dưới 50 cm3 (xe máy dưới 50 cc - PV) hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW; tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; hài hòa hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tương đương với các nước phát triển. Luật Giao thông đường bộ 2008 không bắt buộc sát hạch cấp bằng lái với hạng xe máy dưới 50 cm3 và xe máy điện. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an xây dựng quy định, người lái xe máy dưới 50 cm3, xe máy điện có công suất động cơ điện không quá 4 kW phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0.

MỚI - NÓNG