[CẬP NHẬT DỊCH COVID-19] Tổng giám đốc thẩm mỹ viện mắc COVID-19 di chuyển phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
Thẩm mỹ viện AMIDA ở đường Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng đã được cánh ly, phong toả.
Thẩm mỹ viện AMIDA ở đường Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng đã được cánh ly, phong toả.
TPO - Trong số các ca mắc COVID-19 vừa được công bố tại Đà Nẵng, nữ bệnh nhân N.T.P.A ( 28 tuổi, trú chung cư F.Home, 16 Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - Tổng giám đốc Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA có lịch trình di chuyển dày đặc.

Trong số các ca mắc COVID-19, nữ bệnh nhân N.T.P.A ( 28 tuổi, trú chung cư F.Home, 16 Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - Tổng giám đốc Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA có lịch trình di chuyển dày đặc.

Cụ thể, ngày 27/4, bệnh nhân đi làm cả ngày, tối đi ăn cùng bệnh nhân N.T.H.A và 2 người khác tại quán Toxic (đường Trần Văn Trứ).

Ngày 28/4, bệnh nhân đi họp tại Stay Hotel (đường 3/2). Đến 15h cùng ngày, bệnh nhân cùng BN3131 đi ăn đám cưới ở Quảng Ngãi, trên đường đi có ghé vào tiệm vàng trong chợ Thanh Khê (quận Thanh Khê). 20h cùng ngày, bệnh nhân đi nhậu cùng nhóm nhân viên của công ty tại nhà của một nhân viên, sau đó đi hát karaoke (không nhớ địa chỉ) tại Quảng Ngãi, rồi nhà nghỉ Thế kỷ cùng mọi người.

Sáng ngày 29/4, bệnh nhân đi ăn đám cưới tại thôn An Trường (Phổ Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi), đến 10h thì về Đà Nẵng, trên đường đi ghé nhà cô N. tại Tam Kỳ (Quảng Nam). 17h30 cùng ngày, bệnh nhân đi uống cà phê cùng 3 người bạn tại quán cà phê De Ante (đường Trần Văn Trứ, Hải Châu). 18h cùng ngày, bệnh nhân đi ăn tại quán Ớt xanh (đường 3/2) cùng nhóm bạn, sau đó đi dạo đường Bạch Đằng, rồi ăn khuya.

Ngày 30/4 - 1/5, bệnh nhân đi resort Hội An chơi, buổi tối có ghé ăn cơm gà Bà Nga tại Hội An, đi ăn chè gần khu giữ xe cùng nhân viên trong công ty sau đó đi về nhà bằng ô tô riêng.

Sáng 2/5, bệnh nhân đến cơ sở của công ty tại 222 Phan Châu Trinh cùng chồng, có tiếp xúc với nhân viên công ty. Đến 16h cùng ngày, bệnh nhân đi café với một người bạn tại quán BOOK cafe (đường Bạch Đằng), có tiếp xúc với 1 nhân viên phục vụ, sau đó về công ty. Từ 20h - 22h330 cùng ngày, bệnh nhân họp với toàn thể công ty tại 222 Phan Châu Trinh, sau đó về nhà và bắt đầu có triệu chứng rét run, sáng hôm sau bị sốt.

[CẬP NHẬT DỊCH COVID-19] Tổng giám đốc thẩm mỹ viện mắc COVID-19 di chuyển phức tạp ảnh 1

Chung cư F.Home nơi Tổng giám đốc thẩm mỹ viện AMIDA ở đã bị cách ly, phong toả.

Sáng ngày 3/5, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng: sốt, đau đầu, ho nhẹ, mất vị giác, nhức mỏi người. Sau đó bệnh nhân nhờ chồng đi mua thuốc tại tiệm thuốc tây gần nhà về uống và bệnh nhân nghỉ ở nhà luôn.

Ngày 4/5 - 6/5, bệnh nhân nghỉ tại nhà, trong thời gian này bệnh nhân chỉ tiếp xúc với chồng, con gái và người giúp việc.

Từ 13h30 - 1h30 ngày 7/5/, bệnh nhân có đi siêu thị Vinmart đối diện chung cư F.Home, trong thời gian này bệnh nhân có tiếp xúc với 2 nữ nhân viên bán hàng và khoảng 4 - 5 khách hàng cùng đi mua đồ.

Ngày 8/5, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại Khu ký túc xá phía Tây và được Trung tâm y tế quận Liên Chiểu lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã ghi nhận tổng cộng 28 ca bệnh mắc, nghi ngờ mắc COVID-19 làm việc tại Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA. (Nguyễn Thành)

Khánh Hoà đóng cửa nhà hàng, khách sạn liên quan bệnh nhân 3141

Sáng 10/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hoà (CDC Khánh Hoà) cho biết: Tỉnh này đã tạm thời đóng cửa khách sạn Pearl City, nhà hàng Asian (đường Hoàng Diệu, TP Nha Trang) và nhà hàng Suối Đá Hòn Giao (huyện Khánh Vĩnh) vì BN 3141 từng ở và ăn uống tại đây.

CDC Khánh Hòa đã khoanh vùng, truy vết 99 trường hợp F1, đã lấy mẫu xét nghiệm, tất cả 99 trường hợp đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Hiện tại các trường hợp F1 sức khỏe bình thường, chưa phát hiện triệu chứng nghi ngờ COVID-19, đều đã được đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Có 323 trường hợp F2, tiến hành thông báo địa phương quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định. Đơn vị đang tiếp tục xác minh điều tra đối tượng F1 và F2, đồng thời liên hệ, hướng dẫn các hành khách đi cùng chuyến bay VN 1559 với BN 3141 ở tỉnh, thành khác khai báo y tế tại địa phương.

Như Tiền Phong đã thông tin, BN 3141 có lịch trình di chuyển tại Khánh Hoà như sau: Ngày 1/5, bệnh nhân đi cùng chuyến bay VN1559 lúc 16h5 từ Nội Bài - Hà Nội đến Cam Ranh - Khánh Hoà. Lúc 17h45, đi taxi từ sảnh sân bay Cam Ranh về khách sạn Pearl City, số 7 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Lúc 19h10, ăn tối tại nhà hàng Asian, số 17 Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Từ 8h đến 15h ngày 2/5, đi chơi tại Vinpearl Nha Trang (di chuyển bằng tàu cao tốc), đi xe taxi màu vàng không nhớ biển số, ăn trưa tại Nhà hàng Lotte Vinpearl.

Đến 17h ngày 2/5, BN 3141 xuất phát đi Đà Lạt trên xe mang BKS 51B - 41365 của hãng xe Limosine Khanh Phong. Lúc 18h đến 18h30, xe dừng ăn tại quán Suối Đá Hòn Giao (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà). Khoảng 20h30 tối 2/5, bệnh nhân này đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. (Công Hoan)

Hải Dương: Sẽ tiêm xong vắc xin phòng COVID-19 trước ngày 15/5

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, từ khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 2 (ngày 14/4), đến ngày 9/5, toàn tỉnh Hải Dương đã có 44.498 người được tiêm, đạt 54,9%. Trong đó có 10.626 trường hợp phản ứng sau tiêm, chiếm 23,9% (chủ yếu là đau sưng tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau cơ, đau khớp).

13.223 trường hợp phải hoãn tiêm (chủ yếu do chưa bảo đảm sức khỏe để tiêm); 4.196 người chống chỉ định. Hiện đã có 7 trong tổng số 12 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành kế hoạch tiêm. Số vắc xin còn lại sẽ tiêm xong trước ngày 15/5 như chỉ đạo của Bộ Y tế.

Nếu đợt 1, Hải Dương chỉ tiêm cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch thì đợt 2 mở rộng tất cả các đối tượng còn lại trong Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Ngoài ra, Hải Dương còn mở rộng tiêm cho các đối tượng là người đã, đang sống trong các khu vực phong toả, cách ly y tế trong đợt đầu năm 2021; các huấn luyện viên, vận động viên từ 18 tuổi trở lên trong các đội tuyển dự thi đấu các giải quốc gia, quốc tế các môn thể dục, thể thao; người cung cấp dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông, dịch vụ ngân hàng, kho bạc; các tiểu thương buôn bán ở các khu chợ, người làm việc trên các bến xe, tuyến xe, nhân viên giao hàng tiếp xúc với nhiều người… (Quảng An)

Kết quả xét nghiệm 45 hộ dân và những người tiếp xúc gần 2 ca mắc COVID-19 ở Đắk Lắk

Sáng 10/5, ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết, vừa có kết quả xét nghiệm 45 hộ dân sống cùng hẻm với 2 ca mắc COVID-19 và những người tiếp xúc gần ca bệnh 3334.

“Nhiều trường hợp tiếp xúc gần với 2 ca nhiễm mới đã có kết quả âm tính lần 1. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục lấy mẫu và xét nghiệm để theo dõi thêm, vì diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, có thể lần đầu âm tính, nhưng lần sau lại khác”, ông Trí nói.

Ca COVID-19 đầu tiên ở Đắk Lắk là C.T.T.T. (SN 1998, trú tại huyện Krông Nô, Đắk Nông, đang ở hẻm 189/1 đường Mai Hắc Đế), có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tối 8/5, mã bệnh nhân 3334.

CDC Đắk Lắk xác định có 9 trường hợp tiếp xúc gần với ca 3334, gồm Trần Mạnh T. (SN 1998, bạn trai của C.T.T.T) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm qua 9/5.

Kết quả xét nghiệm đối với 8 trường hợp còn lại đều âm tính, gồm: Tr.T.T.H. (SN SN 1994), N.T.L. (SN 1972), H.H.Đ. (SN 2017) đều trú tại hẻm 189/1 đường Mai Hắc Đế; Th.M.Đ. (SN 1982, nhà sư, tại số 70 đường Nơ Trang Gưh), H.V.Đ. (SN 1978, trú tại 96A, đường Đinh Công Tráng); B.V.Ph. (SN SN 1958, trú tại 96B đường Đinh Công Tráng); Ng.V.T. (SN SN 1938, trú tại 63/10 đường Nơ Trang Gưh; Tr.H.P. (SN SN 1947, trú tại 261 đường Quang Trung) đều thuộc phường Tân Tiến.

Lịch trình dày đặc, bệnh nhân không nhớ nhiều địa điểm đã tới

Đối với Trần Mạnh T. cơ quan chức năng đã truy vết những nơi T. đến và tiếp xúc gần với những người liên quan.

Cụ thể, ngày 2/5, T. tiếp xúc với Ng.Q.Th. tại quán trà chanh, số 160 đường Dũng Sĩ, Q. Thanh Khê; ngày 3/5 gặp Ng.Q.T., L.Ng.Th. tại quán cà phê, 52 Hà Huy Tập (ngay ngã tư); Ng.T.D., Đ.T.V., Ng.T.Đ., N.Q.Kh., tại quán nhậu Hai Trí, 702 Điện Biên Phủ (Đà Nẵng). Sau đó, Nguyễn Mạnh T. qua công ty tại 46A Hà Huy Tập, TP.Đà Nẵng, vào ngân hàng VP Bank, đường Phan Châu Trinh, và qua bảo dưỡng xe tại gara Huấn.

Sáng 6/5 vừa qua, T. cùng bạn là BN 3237 đi ăn sáng tại quán phở Sài Gòn đường Hồ Quý Ly (không nhớ số nhà), sau đó sang tiệm thuốc tây đối diện quán phở để mua thuốc, khẩu trang.

Lúc 10h45 cùng ngày, T. đi ô tô với bạn về TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Trên đường về, T. dừng chân tại quán nước ở đèo Lò Xo (Kon Tum). Lúc 17h00, đã ghé quán cơm (không nhớ rõ tên quán) huyện Ngọc Hồi (Kom Tum) ăn tối…

T. về đến tới TP.Buôn Ma Thuột lúc 23h00 cùng ngày. (Vũ Long)

TPHCM: Phát hiện 3 trường hợp mắc COVID-19 là thuyền viên

Ngày 10/5, báo cáo với Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống COVID-19, ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, Thành phố đã kiểm tra và phát hiện 3 trường hợp trong số 19 thuyền viên tàu MD-SUN dương tính với SARS-CoV-2. “Tất cả các trường hợp đều cách ly tập trung, truy vết 74 trường hợp để lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính. HCDC đang điều tra xem có trường hợp nào có tiếp xúc bất hợp pháp hay không” – ông Dũng cho biết.

Bên cạnh việc tiến hành điều tra, truy vết các người được phép làm việc liên quan với tàu (bao gồm lên tàu và không lên tàu). Các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra thêm xem trong quá trình neo đậu, có trường hợp nào thuyền viên lên bờ bất hợp pháp hoặc ngược lại có trường hợp nào xuống tàu hoặc tiếp cận tàu bất hợp pháp nhằm truy vết đầy đủ, không bỏ sót bất cứ trường hợp nào có tiếp xúc với thuyền viên trên tàu.

Đại diện Cục Hàng hải cho biết, ngày 30/4, tàu MD-SUN neo ở bến sau Phước Long. Tất cả thuyền viên và công nhân rời tàu đều phải có sự kiểm tra của lực lượng biên phòng. Khi một tàu đã đi qua các hải cảng Quốc tế vào neo đậu tại bến cảng hoặc phao thì những thuyền viên trên tàu chính là những đối tượng nguy cơ, có thể mắc COVID-19 trong quá trình đi qua các hải cảng Quốc tế.

Theo quy định từ khi có dịch bệnh COVID-19, tại các hải cảng Việt Nam các tàu quốc tế được xem là có nguy cơ lây nên phải cách ly hoàn toàn với đất liền. Do đó, những người trên tàu không được lên bờ trừ những trường hợp được cho phép như kết thúc hợp đồng làm việc, cần điều trị bệnh... Và tất cả đều phải được thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh (cách ly tập trung, xét nghiệm COVID-19…).

Bên cạnh đó, một số người làm việc tại cảng bắt buộc phải lên tàu để làm việc như hoa tiêu, nhân viên điều độ, công nhân bốc dỡ hàng, giám định, sửa máy ... Các trường hợp này đều phải được Bộ đội Biên phòng cho phép mới được xuống tàu làm việc. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, tất cả các trường hợp này đều phải được trang bị phòng hộ, không tiếp xúc và chỉ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu trong những trường hợp thật cần thiết và giữ khoảng cách theo quy định.

Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng, không đầy đủ thì nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra. Việc cho phép người trên bờ xuống tàu, người từ trên tàu lên bờ do lực lượng bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm thực hiện. Bên cạnh các quy định về phòng hộ khi lên tàu thì việc giám sát cũng được đặt ra nghiêm ngặt.

Để tăng cường các biện pháp phòng dịch, HCDC đã đề xuất các giải pháp triển khai trong giai đoạn hiện nay gồm: điều chuyển một số lượng vắc-xin để tiêm phòng cho các nhân viên bắt buộc phải lên tàu và có tiếp xúc với thuyền viên như: nhân viên hoa tiêu, nhân viên điều độ.

Theo đó, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng hộ bắt buộc cho nhân viên, người lao động phải lên tàu làm việc, đảm bảo thực hành đúng quy định theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức tập huấn và tập huấn lại các quy trình phòng bệnh tại bến cảng; Kiểm soát thật chặc việc khai báo y tế cho người vào làm việc nhất là người có xuống tàu;

Tăng cường các biện pháp giám sát bằng camera trong quá trình tàu neo đậu tại cảng, tại phao để giám sát việc lên xuống tàu; Tăng cường các biện pháp giám sát an ninh, nhất là không để xảy ra tình trạng xuống tàu hoặc lên bờ bất hợp pháp. Vì đây chính là nguy cơ lớn nhất có thể làm lây nhiễm bệnh (nếu có) từ trên tàu lên đất liền.

Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm giám sát định kỳ các đối tượng có nguy cơ để sớm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng, can thiệp kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh. Triển khai hoạt động xét nghiệm thuyền viên, nhất là các tàu đến từ các quốc gia nguy cơ hoặc có nhiều hoạt động nguy cơ trong quá trình neo đậu.

Xây dựng bảng tiêu chí an toàn phòng chống dịch để đánh giá các bến cảng, phao. Các đơn vị bến cảng, phao phải thường xuyên đánh giá bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19. Các bến cảng, phao không đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, không đảm bảo an toàn đề xuất không được tiếp nhận các tàu Quốc tế neo đậu.

Ngoài ra, HCDC yêu cầu các tàu vào neo đậu, thuyền viên trên tàu cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu của bến cảng, phao. Xử lý nghiêm nếu vi phạm.

"Bên cạnh đó, vài trò, trách nhiệm của từng cá nhân là rất quan trọng. Người thân, người nhà thuyền viên, người dân không tự ý tìm cách lên tàu bất hợp pháp. Những người làm nhiệm vụ khi được phép lên tàu cần hiểu những nguy cơ và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Người dân cùng cơ quan chức năng giám sát các trường hợp vi phạm, thông tin cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập" - ông Dũng nói. (Uyên Phương)

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.