Cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho hơn 600 hộ dân

Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu có tổng mức đầu tư gần 351,5 tỷ đồng (trong đó vốn do EU tài trợ 280 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của EVNCPC).
Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu có tổng mức đầu tư gần 351,5 tỷ đồng (trong đó vốn do EU tài trợ 280 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của EVNCPC).
TPO - Dự án hoàn thành đã cung cấp một nguồn điện ổn định, đầy đủ, chất lượng cao, sẵn sàng phục vụ cho tất cả các nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên đảo, người dân không còn phải sống trong cảnh có điện “8 giờ một ngày” từ nguồn máy phát điện diesel như trước đây.

Sáng 10/10, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), đã diễn ra Lễ công bố hoàn thành dự án đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu bằng cáp ngầm.

Dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aleberti, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Phú Yên cùng đông đảo nhân dân xã đảo Nhơn Châu.

Cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho hơn 600 hộ dân ảnh 1 Khánh thành dự án đưa điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu. Ảnh: Trương Định

Xã đảo Nhơn Châu (hay còn gọi là Cù Lao Xanh) là đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế biển, du lịch của tỉnh Bình Định và khu vực Nam Trung bộ. Xã có hơn 600 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Trước kia, để duy trì cuộc sống ổn định của người dân trên đảo, chính quyền địa phương đã phải chạy dầu diesel để cung cấp điện mỗi ngày cho các hộ dân.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, dự án được hoàn thành là một dấu ấn quan trọng đối với xã đảo Nhơn Châu. Từ nay xã đảo đã được cung cấp một nguồn điện ổn định, đầy đủ, chất lượng cao, sẵn sàng phục vụ cho tất cả các nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên đảo, người dân không còn phải sống trong cảnh có điện “8 giờ một ngày” từ nguồn máy phát điện diesel như trước đây.

Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu có tổng mức đầu tư gần 351,5 tỷ đồng (trong đó vốn do EU tài trợ 280 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của EVNCPC), được Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư; Công ty Điện lực Phú Yên và Công ty Điện lực Bình Định cùng các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện.

Quy mô dự án gồm 4 hạng mục chính là: lắp đặt ngăn xuất tuyến 22kV tại trạm biến áp 110kV Sông Cầu và đường dây 22kV trên đất liền thuộc địa phận thị xã Sông Cầu dài hơn 12km; xây dựng mới tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển mạch đơn, chiều dài hơn 10km, nối từ trạm cắt 22kV Hòa An (xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu) đến xã đảo Nhơn Châu; xây dựng lưới điện trên đảo Nhơn Châu (đường dây 22kV trên không dài 0,935 km, 02TBA phân phối 22/0,4kV với tổng dung lượng 650kVA, đường dây hạ áp 0,4kV dài 4,649 km) và xây dựng hệ thống cáp quang dài hơn 12km kết nối giữa đất liền với đảo nhằm phục vụ dân sinh và quản lý điều hành lưới điện.

Cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho hơn 600 hộ dân ảnh 2 Dự án hoàn thành đã cung cấp một nguồn điện ổn định, chất lượng cao, phục vụ cho tất cả các nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên đảo.

Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam đã đạt được thành tựu vượt bậc về tốc độ điện khí hóa, với hơn 99% dân số được tiếp cận với nguồn điện ổn định với giá cả hợp lý. Năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác chặt chẽ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Chương trình năng lượng đầu tiên của EU tập trung vào việc tăng cường Tiếp cận Năng lượng Bền vững ở các Khu vực Nông thôn Việt Nam. Chương trình đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình mục tiêu về điện khí hóa nông thôn, miền núi và hải đảo. Tuyến cáp ngầm nối lưới điện ra đảo Nhơn Châu là kết quả hữu hình và câu chuyện thành công của sự hợp tác giữa EU, Bộ Công Thương, EVN và chính quyền địa phương trong chương trình này.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công thương, Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đưa điện về tất cả các hộ dân nông thôn còn lại chưa có điện trên đất nước. Đối với 3 làng miền núi ở Bình Định vẫn chưa có điện Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục phối hợp với các bộ ngành Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Trung để huy động các nguồn lực để người dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh sớm có điện sử dụng.

MỚI - NÓNG