Cấp bách phát triển hệ sinh thái năng lượng mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 25/12, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong bối cảnh nhiều dự án gặp khó khăn về quy định triển khai.
Cấp bách phát triển hệ sinh thái năng lượng mới ảnh 1
Theo các chuyên gia, cần cơ chế gỡ khó từ cấp cao, thậm chí Nghị quyết của Quốc hội để gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo hiện nay. Ảnh: Nguyễn Bằng

Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh và quá trình khác có thu giữ các-bon đạt 100 - 500 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050.

Bộ Công Thương cho biết, liên quan đến phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi, theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà các-bon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW). Trong đó tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khí trong nước 10 dự án với tổng công suất 7.900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW). Tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát.

Tại cuộc họp, các chuyên gia nhất trí rằng, cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, tuy nhiên do các vướng mắc liên quan đến nhiều luật (Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực…).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng, nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện VIII cũng như của ngành đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cần phải có nghị quyết của Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp được triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung pháp lý.

MỚI - NÓNG