In lại vé mới cùng số seri đã xóa
Việc thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương được quản lý thông qua phần mềm đã được Bộ VH -TT -DL cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Bộ GTVT đã mua, thuê cài đặt tại 4 trạm thu phí trên tuyến cao tốc và được bàn giao lại cho Tổng công ty Cửu Long (Chủ đầu tư, thuộc Bộ GTVT) quản lý sử dụng từ ngày 2/12/2012.
Theo hợp đồng thì Tổng công ty Cửu Long bàn giao lại nguyên trạng cho Công ty Yên Khánh (của ông Đinh Ngọc Hệ, đơn vị thắng thầu thu phí) kể từ ngày 1/1/2014. Trong năm 2014 Công ty Yên Khánh sử dụng phần mềm do Bộ GTVT cài đặt sẵn và cho nhân viên nhặt vé do tài xế qua trạm vứt lại để tập hợp xóa số seri các vé đã nhặt, in lại vé mới có cùng số seri với các vé đã nhặt.
Đầu năm 2015, sau khi được báo cáo số liệu thu phí thực tế cao hơn rất nhiều, việc giảm doanh thu bằng phương pháp thủ công không hiệu quả, doanh số giảm không nhiều nên Đinh Ngọc Hệ đã tổ chức buổi họp tại Công ty Yên Khánh, chỉ đạo tại 4 trạm thu phí “phải làm giảm doanh thu” đi chứ không để như vậy, vì doanh thu thực tế đang quá cao. Mục đích làm giảm doanh thu để chiếm đoạt tiền thu phí sử dụng theo các mục đích cá nhân của Đinh Ngọc Hệ, mặt khác sau khi hết thời hạn thu phí 5 năm Công ty Yên Khánh báo cáo việc thu phí thua lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí với số tiền phải nộp để mua thấp hơn giá đã mua đấu giá.
Xóa dữ liệu để báo cáo lỗ
Triển khai chỉ đạo của ông Hệ, ông Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) liên hệ ông Nguyễn Xuân Hiền (Giám đốc Công ty Xuân Phi) xuống chi nhánh Long An khảo sát viết phần mềm, cài đặt bảo trì phần mềm xâm nhập vào phần mềm của Bộ GTVT để làm giảm doanh thu. Thông qua giới thiệu của Hùng, Nguyễn Xuân Hiền và Hoàng Tô Hạnh Vân (Phó giám đốc Công ty Xuân Phi), trực tiếp xuống trạm thu phí Chợ Đệm gặp Trần Văn Miền (Phó Giám đốc chi nhánh Long An Công ty Yên Khánh) để khảo sát thực tế.
Sau khi Công ty Xuân Phi khảo sát và viết xong phần mềm, nhóm nhân viên công ty này xuống trực tiếp trạm thu phí Chợ Đệm cài đặt chạy thử và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giao cho Miền trực tiếp quản lý. Đến tháng 4/2017, do chỉ tiêu kế hoạch cắt giảm doanh thu chưa đạt, Trần Văn Miền gọi điện báo cáo xin ý kiến ông Tô Phước Hùng và Miền trực tiếp liên hệ với Hiền để yêu cầu nâng cấp phần mềm. Khoảng 15 ngày sau, Hiền gửi email cho Miền 3 phương án nâng cấp phần mềm thu phí và sau đó đã chọn phương án 3 với mức phí 120 triệu đồng và thời gian hoàn thành trong vòng 20-30 ngày.
Đầu năm 2018 do chuẩn bị hết thời hạn thu phí (ngày 31/12/2018), Hùng theo yêu cầu của ông Hệ, chỉ đạo Miền liên hệ với Hiền tìm cách xóa dữ liệu trên hệ thống máy chủ, dữ liệu về việc thu phí thực tế của Công ty Yên Khánh.Hiền đã chỉ đạo Vân liên hệ với Miền để nắm và thực hiện.
Việc xóa dữ liệu thực hiện từ năm 2016 trở về trước rồi cho máy tính chạy thử, nếu máy tính chạy tốt thì tiếp tục xóa dữ liệu từ 2017 trở về sau. Vân đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Hiền.
Qua khám xét khẩn cấp ngày 26/12 /2018, Cơ quan điều tra đã thu giữ sao lưu dữ liệu, các ổ đĩa để tiến hành trích xuất đối chiếu. Kết quả điều tra xác định, doanh thu phí thực tế từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2018 của 4 trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương là trên 3.200 tỷ đồng, doanh thu bị điều chỉnh là 2.500 tỷ đồng. Ông Đinh Ngọc Hệ chiếm hưởng 725 tỷ đồng.
Tại Cơ quan điều tra, ông Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận chỉ đạo việc tổ chức thu phí, mua, sử dụng phần mềm của Công ty Xuân Phi để can thiệp làm giảm doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng; Không thừa nhận chỉ đạo xóa dữ liệu, chứng từ kế toán thể hiện số tiền thu phí thật sự, sử dụng số tiền thu phí đã chiếm đoạt...