Bắt buộc nhà thầu phải sửa chữa
Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin việc hư hỏng, bong tróc mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ xảy ra ở một vài vị trí cục bộ, chủ yếu bong tróc lớp tạo nhám trên bề mặt. Qua xác minh và đo đạc, diện tích hư hỏng tuyến đường khoảng 70m2/3,1 triệu m2, chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chủ yếu xảy ra ở 65km tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ (Quảng Nam). Do đó, chất lượng chung của công trình vẫn đảm bảo khi đưa vào khai thác.
“Việc hư hỏng cục bộ do chất lượng công trình nhưng không phải diện rộng. Việc này đã gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tạo dư luận không tốt, nghi vấn chất lượng công trình” ông Thọ cho biết.
Dù xảy ra ở các vị trí cục bộ, nhưng vì đặc thù đường cao tốc trong quy trình quản lý vận hành và khai thác, nên bất kể những gì hỏng hóc trên đường cao tốc phải kịp thời khắc phục sửa chữa đảm bảo an toàn lưu thông. Vấn đề an toàn lưu thông trên đường cao tốc phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế trên tuyến đường này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, các đơn vị, ban quản lý (BQL) dự án đường cao tốc chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Tại các điểm hư hỏng, không hề có biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển hạn chế tốc độ… cho phương tiện biết khi lưu thông qua khu vực đang hỏng hóc, sửa chữa. Do đó, các đơn vị phải nghiêm túc kiểm điểm. “Chúng tôi đang nghiên cứu phân tích, nhưng có thể do quá trình thi công chúng ta kiểm soát không hết được chất lượng liên quan để việc rải nhựa, trộn bê tông, vật liệu không đồng bộ...”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề trách nhiệm, ông Thọ cho biết: Vừa rồi chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu, kể cả đơn vị quản lý đã thiếu trách nhiệm trong vấn đề vận hành, quản lý, khai thác. Khi đã xảy ra hiện tượng bong tróc, nếu có giải pháp xử lý kịp thời thì đã không có chuyện như ngày hôm nay. Khối lượng rất nhỏ nhưng không tập trung xử lý thì ngoài phá hoại mặt đường còn tạo ra dư luận không tốt... Về biện pháp xử lý, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải đưa ra kế hoạch sửa chữa nhanh nhất, chất lượng nhất, sớm đảm bảo lưu thông tuyến đường này, tuyệt đối an toàn. Nếu chuẩn bị tốt về vấn đề vật liệu, vấn đề máy móc, con người trong điều kiện nắng ráo, theo ông Thọ: chỉ 1 đến 2 ngày là sửa chữa xong. Sau đó phải nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp sửa chữa tổng thể để khắc phục triệt để. Khi khắc phục tổng thể sẽ dùng máy móc cào, bóc lên rồi rải thảm lại theo quy trình như làm mới.
“Hư hỏng hiện nay, bắt buộc nhà thầu phải sửa chữa, đảm bảo đúng thiết kế ban đầu. Sau khi hết thời gian bảo hành nếu tiếp tục hỏng hóc, đơn vị quản lý đường mà ở đây chủ đầu tư vẫn phải có trách nhiệm” ông Thọ nói.
Nhà thầu Trung Quốc trúng thầu vì bỏ thầu giá thấp
Liên quan đến các nội dung đơn thư tố cáo quá trình thi công tuyến đường này, ông Thọ cho biết, qua thanh, kiểm tra, Bộ GTVT đều biết và đang trong quá trình chỉ đạo xử lý. Có cái đã khắc phục, có cái đang xác minh, kiểm điểm để xác định trách nhiệm của tập thể và cá nhân.
“Có nhiều vấn đề cũng đang phải kỷ luật, xác minh qua những đơn thư tố cáo, phản ánh. Vấn đề này liên quan nhiều đối tượng, giữa người dân với nhà thầu, giữa nhà thầu với nhà thầu, nhà thầu với chủ đầu tư, nhà thầu với tư vấn giám sát.... Những phản ánh của báo chí, Bộ GTVT rất nghiêm túc tiếp thu, cho thanh tra, kiểm tra, xử lý và có trả lời thỏa đáng với những kiến nghị, phản ánh”, ông Thọ nói. Đối với các nhà thầu thi công, Bộ sẽ xem xét xử lý các vấn đề ràng buộc trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Căn cứ vào đó, tùy theo mức độ sẽ có xử lý theo hợp đồng đã ký và quy định pháp luật.
Trước đó, người dân tố cáo và báo chí đã phản ánh về việc nhà thầu Tô Giang thi công gói thầu của tuyến đường cao tốc này dùng vật liệu không đảm bảo. Việc này, Thứ trưởng Thọ cho biết, nhà thầu Giang Tô là nhà thầu Trung Quốc. Khi đấu thầu quốc tế làm cao tốc, nhà thầu này bỏ thầu rất thấp nên trúng thầu. Quá trình sang thi công gói thầu, nhà thầu Tô Giang có sử dụng các nhà thầu phụ của Việt Nam tham gia vào việc cung cấp vật liệu, dịch vụ khác để thực hiện thi công.
Trước tố cáo của người dân rằng, nhà thầu dùng bùn để đắp nền đường cao tốc, ông Thọ cho rằng: Dưới nước người ta gọi là bùn, nhưng khi vớt lên khô ráo, thành phần hạt tốt, chỉ tiêu cơ lý đạt… người ta vẫn sử dụng. Sau đó đầm nén. Đầm nén xong nếu đạt được tiêu chuẩn sẽ sử dụng, nếu không đạt thì sẽ phải bóc.
Miền Trung đang vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công trình vừa đưa vào khai thác vận hành, Bộ GTVT cũng đã có chỉ đạo BQL dự án tập trung hoàn thiện tiếp các hạng mục còn lại. Khắc phục hiện tượng sụt trượt mái taluy, sửa chữa các cống thoát nước, rào chắn. Đặc biệt, các tuyến đường gom mà nhân dân và địa phương có kiến nghị.