Địa phương muốn mở rộng...
Sáng 8/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn 1), đoạn Ninh Bình - Nghệ An.
Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra từ triển khai dự án thời gian qua để áp dụng cho các dự án cao tốc, công trình giao thông đang và sẽ triển khai thời gian tới. Trong đó, kinh nghiệm xử lý vướng mắc liên quan tới giải phóng mặt bằng, giải quyết nguồn cung vật liệu (đất, cát), rút gọn thủ tục hành chính… được các bên tham gia dự án đánh giá là vô cùng bổ ích, với nhiều chính sách đặc thù lần đầu được áp dụng.
Tới nay, 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác, dự kiến toàn bộ dự án sẽ thông tuyến vào giữa năm sau. (Ảnh cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45). |
Về phía địa phương, ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - đánh giá cao tốc Bắc - Nam đưa vào khai thác sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua triển khai dự án, địa phương cũng có nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt về giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực hiện. Để phát huy lợi thế cao tốc, Thanh Hoá đã bố trí hơn 8.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư xây mới, nâng cấp một số tuyến đường kết nối với cao tốc.
Bên cạnh đó, ông Liêm cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét kế hoạch đầu tư hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam theo đúng quy hoạch, đạt quy mô 6 làn xe, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác trong tương lai. Địa phương này cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét ưu tiên bố trí vốn nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện hữu kết nối với cao tốc để phát huy tối đa hiệu quả dự án; sớm hoàn thiện các hạng mục còn lại liên quan tới đường gom dân sinh, cầu vượt, hoàn trả đường địa phương sử dụng để phục vụ thi công cao tốc; sớm xem xét hoàn thiện phương án khai thác, tổ chức giao thông hợp lý…
Trước đó, sau hơn 1 năm khai thác, Sở GTVT Ninh Bình cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo cấp thẩm quyền bố trí vốn để mở rộng đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn. Do đoạn cao tốc này mới làm giai đoạn 1, với 2 làn xe chạy mỗi bên, không có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến, tốc độ chạy xe tối đa 80 km/h. Dẫn tới thực tế lượng xe qua cao tốc ngày càng tăng, có hiện tượng quá tải những dịp cuối tuần, lễ, Tết, nên địa phương đề xuất mở rộng cao tốc lên quy mô hoàn chỉnh với mỗi bên 3 làn xe, có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến.
... Bộ GTVT đang nghiên cứu
Với các kiến nghị trên của địa phương, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tới nay trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, chỉ có đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (nối Bình Thuận - Đồng Nai) được đầu tư với quy mô hoàn chỉnh. Các đoạn tuyến còn lại đều đầu tư ở giai đoạn phân kỳ, chưa đạt số làn đường theo quy hoạch xác định.
“Bộ GTVT sẽ quan tâm tới các kiến nghị của địa phương về việc tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy hoạch, và đã báo cáo xin chủ trương nghiên cứu gửi cấp thẩm quyền. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với bộ ngành, địa phương liên quan để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét dành nguồn lực cho đầu tư mở rộng, hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam theo quy hoạch”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. |
Bên cạnh đó, dù một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác, nhưng chỉ với tuyến cao tốc chính, còn một số vị trí đường gom dân sinh, cầu vượt trên tuyến chưa hoàn thiện. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung nhân sự, máy móc sớm hoàn thiện các hạng mục còn lại, đáp ứng nhu cầu người dân dọc tuyến cao tốc.
Liên quan tới việc nghiên cứu nâng tốc độ khai thác cao tốc từ 80 km/h lên vận tốc cao hơn, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, đã ghi nhận ý kiến người dân và giao đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh phương án khai thác cho thuận lợi, an toàn nhất. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá từ thực tế khai thác.
Bộ GTVT cho biết, tới nay, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác 8/11 dự án thành phần. Dự kiến, cuối năm nay sẽ đưa vào khai thác cầu Mỹ Thuận 2; cuối quý 1, muộn nhất đầu quý II/2024 sẽ đưa vào khai thác 2 dự án thành phần cuối cùng đầu tư theo hình thức BOT là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Riêng với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Ninh Bình - Nghệ An đưa vào khai thác đã nối thông cao tốc từ Hà Nội tới Nghệ An, rút ngắn thời gian đi ô tô giữa 2 đầu tuyến còn hơn 3 giờ đồng hồ, thay vì 5 giờ như trước đây.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Nghệ An có 4 dự án thành phần, tổng vốn đầu tư hơn 27.353 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, các dự án thành phần gồm: Cao Bồ - Mai Sơn dài hơn 15km, tổng vốn hơn 1.607 tỷ đồng; Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài hơn 63km, tổng vốn hơn 12.918 tỷ đồng; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài hơn 43km, tổng vốn hơn 5.534 tỷ đồng; Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng vốn hơn 7.293 tỷ đồng.