Tình trạng những công trình đầu tư công nghìn tỷ, chục nghìn tỷ… vừa đưa vào sử dụng đã hỏng dường như không còn là “chuyện lạ”.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có vốn đầu tư hơn 34 nghìn tỷ đồng đang là điểm nóng của dư luận thời gian gần đây. Trước đó những cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Sài Gòn - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình… cũng một thời nóng lên như vậy.
Khi công trình hỏng hóc, xuống cấp, trong khi người dân bức xúc… thì chủ đầu tư, nhà thầu lại tìm cách “đổ tội” cho thời tiết, cho các nguyên nhân khách quan… Riêng cơ quan quản lý lại luôn tuyên bố hùng hồn: “Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm... nếu có”... Chẳng thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm hoặc xin từ chức vì công trình nghìn tỷ xuống cấp.
Là người từng có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng, nếu thực hiện dự án đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật thì không bao giờ có chuyện “công trình vừa đưa vào sử dụng đã hỏng, trừ khi xảy ra thảm họa”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi nói về sự cố hỏng hóc ở dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng đã chỉ thẳng nguyên nhân do thi công, chứ không phải do thời tiết… Còn người dân và dư luận thì nghi ngờ chất lượng con đường do tiêu cực, bớt xén, bán thầu mà ra…
Nghi ngờ của công chúng không phải không có cơ sở. “Không có lửa thì làm sao có khói”. Quay trở lại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dư luận không khỏi sốc khi nhìn vào “ma trận” bán thầu, với những nhà thầu con, nhà thầu cháu xuất hiện dày đặc. Đơn cử như tại gói thầu A2, Cty Tập đoàn cầu đường Sơn Đông là thầu chính, ký hợp đồng với một loạt thầu phụ mà chưa có sự chấp thuận của VEC, như: Cty Cát Hưng Thịnh, Cty CP khai thác khoáng sản Thăng Long…Sau đó, B’ là Cty Thăng Long lại thuê tiếp B hai phẩy Cty Sơn Thủy…
Tương tự, tại gói thầu A5 của dự án trên, VEC giao cho Công ty Posco thực hiện gói thầu A5 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với giá trị 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này không thi công mà bán thầu cho 18 đơn vị khác...
Hiện Bộ GTVT đã lập đoàn thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng, đợt thanh tra lần này chỉ là “nội bộ” trong ngành.
Vấn đề phải làm rõ là có tiêu cực trong việc bán thầu hay không, trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu chính đến đâu khi để xảy ra sự việc này? Giám sát, kiểm định, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có trách nhiệm thế nào? Làm rõ những câu hỏi đó, may ra, những con đường nghìn tỷ trong tương lai sẽ không là “điểm nóng” dư luận như bây giờ..