Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng vừa hoàn thành đã hỏng là 'sự lãng phí lớn'

TPO - Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, tình trạng đầu tư kém hiệu quả và lãng phí trong thời gian qua, thể hiện ở nhiều dự án không bảo đảm chất lượng, vừa hoàn thành đã phải sửa, mà ví dụ gần nhất là dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá hơn 34.000 tỷ đồng.

Coi ngân sách là “tiền chùa”

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, “hiệu quả đầu tư công vẫn đáng lo lắng”. Theo ông, đầu tư kém hiệu quả là vấn đề tồn tại dai dẳng bao nhiêu năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Việc vẫn phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có một đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn còn rất thấp.

Thực tế, theo ông Lộc, số lượng các dự án đầu tư bị đội vốn, bị chậm tiến độ rất nhiều. Một trong các nguyên nhân, có cả việc chính quyền không có đủ vốn đối ứng, thậm chí không có tiền để trả nợ đọng cho các doanh nghiệp đã ứng tiền trước để xây dựng dự án và do vậy đã đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.

Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng vừa hoàn thành đã hỏng là 'sự lãng phí lớn' ảnh 1

ĐBQH Vũ Tiến Lộc

“Đầu tư kém hiệu quả và lãng phí còn thể hiện ở vô số các dự án không bảo đảm chất lượng, vừa hoàn thành xong đã phải sửa chữa, mà ví dụ gần đây nhất là dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá hơn 34.000 tỷ đồng. Đây là sự lãng phí lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn nhưng chưa được tổng kết, quy đổi ra những tác động tiêu cực đến GDP”, Chủ tịch VCCI nói.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, bất cập trong chi tiêu công đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục. Nguyên nhân do việc sử dụng ngân sách lãng phí, coi ngân sách là "tiền chùa", chi sai mục đích, chi phục vụ bệnh thành tích, hay tổ chức nhiều sự kiện như lễ kỷ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang, xây dựng các trụ sở.

Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng vừa hoàn thành đã hỏng là 'sự lãng phí lớn' ảnh 2  ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp (ảnh Như Ý)

Bà Hoa đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí, xác định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý ngân sách.

Cân đối ngân sách phụ thuộc vào việc bán đất

Về cân đối ngân sách, ông Vũ Tiến Lộc phân tích, chuyển biến này chưa thật sự bền vững. Nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế, điển hình là thu từ thuế đối với khu vực doanh nghiệp, có dấu hiệu thiếu ổn định, không đạt dự toán và thậm chí sụt giảm. Trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên so với tổng chi ngân sách vẫn luôn duy trì ở mức cao (hơn 60%) và chưa có chuyển biến gì theo chiều hướng tích cực. Điều này, dẫn đến thu ngân sách Nhà nước, về cơ bản, mới chỉ đủ đáp ứng cho mục đích tiêu dùng và trả nợ.

Theo ông, cân đối ngân sách hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào việc chuyển đổi, nhượng quyền sử dụng đất và bán tài sản Nhà nước, tức là phụ thuộc vào các khoản thu 1 lần và không có tính bền vững. Từ đó, ông Lộc đề nghị nên sử dụng các khoản thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán hàng năm cho việc giảm nợ công, giảm áp lực trả nợ, chứ không chỉ dùng để  tiếp tục tăng chi như hiện nay.

MỚI - NÓNG