Cạnh tranh lành mạnh trong lựa chọn cán bộ cấp chiến lược

Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
TPO - PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất, xứng tầm nhiệm vụ thì công tác cán bộ phải được công khai, minh bạch; công khai từ đầu vào đến đầu ra và phải cạnh tranh lành mạnh.

Ngày 28/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW”.

Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, Nghị quyết số 26 là văn kiện rất quan trọng của Đảng, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế, cần được các cấp, ngành, mọi cán bộ, Đảng viên quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hiệu quả. Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thi hành.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều nội dung của Nghị quyết cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, cung cấp luận cứ khoa học tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nói chung; về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội cho rằng, công tác tham mưu, đặc biệt tham mưu cấp chiến lược là hoạt động góp phần hình thành chính sách, pháp luật tốt, “vai trò của người quyết định rất quan trọng nhưng công tác tham mưu còn quan trọng hơn”, ông Vinh nhấn mạnh.

GS. TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, năng lực cán bộ tham mưu cấp chiến lược ở nước ta có tiềm năng lớn, có năng lực, có khả năng tham mưu chính sách pháp luật trong bối cảnh xã hội thay đổi, tuy nhiên, đội ngũ này còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, công tác cán bộ đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập, chưa có chính sách cụ thể, chưa có bộ tiêu chí đánh giá, chưa có môi trường để phát huy sáng tạo của đội ngũ này.

Do đó, GS. TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, phải xây dựng chính sách quốc gia để phát triển đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; hoàn thiện chính sách pháp luật để bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ này, phát triển được nhiều nhân tài tham mưu; xây dựng bộ tiêu chí để thu hút, trọng dụng, đánh giá, phát huy đội ngũ…

GS. TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho rằng, sức khỏe dẻo dai ở mức cao sẽ chịu được sức ép từ mọi phía; do đó, khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 phải có quy định cụ thể về sức khỏe để đủ sức làm việc và cống hiến hiệu quả, lâu dài; bởi vì, “không thể có trí tuệ minh mẫn trên một cơ thể ốm yếu”.

GS. Nhung nhấn mạnh, cần phải làm rõ về định nghĩa thế nào là cán bộ cấp chiến lược mới có thể xây dựng được các bộ tiêu chí; nếu không có định nghĩa thì cần phải có mô tả cụ thể. Đồng thời, nhấn mạnh đến vai trò và tầm cỡ quốc gia, quốc tế của những cán bộ cấp chiến lược, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Họ cần phải có những năng lực và phẩm chất làm việc, lãnh đạo ở quy mô sâu rộng trong thời đại toàn cầu hóa, để xây dựng, phát triển bền vững và hợp tác, đấu tranh hiệu quả bảo vệ đất nước.

Kiểm soát xung đột lợi ích

Còn theo TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, phải đặt đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ cấp chiến lược nói riêng trong hoạt động công vụ, nhằm vận dụng tốt những kiến thức được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ nghề nghiệp, giải quyết các vấn đề đặt ra trong từng ngạch, bậc, vị trí công tác được giao.

PGS. TS. Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, do đó, cán bộ cấp chiến lược là gốc của gốc.

Từ đó, PGS. TS. Vũ Văn Phúc cho rằng, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất, xứng tầm nhiệm vụ thì công tác cán bộ phải được công khai, minh bạch; công khai từ đầu vào đến đầu ra và phải cạnh tranh lành mạnh.

PGS. TS. Vũ Văn Phúc khẳng định, hơn hết, mỗi cán bộ đều phải tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tất cả đều là vô nghĩa. Đồng thời, đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ tiêu chí định lượng các đặc trưng định tính của cán bộ để cất nhắc, đề bạt theo hướng coi trọng thực chất, không rơi vào chủ nghĩa hình thức thiên về bằng cấp, tuổi tác…; đặc biệt, chú trọng năng lực tự vươn lên qua thực tiễn của cán bộ và dự báo phát triển hơn nữa của cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.

TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, “một người lo bằng kho người làm”, đó là đội ngũ tinh hoa của đất nước, là cán bộ cấp chiến lược, có vị trí ra quyết định và kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế độ chính sách và cách ứng xử phù hợp đối với đội ngũ này.

Do đó, TS. Thang Văn Phúc đề nghị, phải xác định ai là cán bộ cấp chiến lược và cần có chính sách đặc biệt cho đội ngũ này. Đồng thời, phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm đối với đội ngũ này, không thể nói trách nhiệm chung chung.

Về vấn đề tham nhũng, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu kiểm soát quyền lực không tốt thì mãi vẫn còn tình trạng tham nhũng. Ông Quyền cho biết, ở các nước không có Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng họ có Luật Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, như vậy mới có thể kiểm soát được tham nhũng.

TS. Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trước tiên phải kiểm soát xung đột lợi ích; thứ hai là phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; thứ ba, phải xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, quản lý; thứ tư, phải kiểm soát quyền lực thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thứ năm, phải kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan tổ chức, đơn vị, là kênh quan trọng của kiểm soát quyền lực trong phòng chống tham nhũng…

MỚI - NÓNG