Cánh đồng không dấu chân người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cánh đồng hàng trăm héc ta tại vựa lúa Đồng Tháp Mười chỉ thấp thoáng bóng người. Quá trình sản xuất, từ khâu làm đất, bón phân, xuống giống, tưới tiêu, phun thuốc, thu hoạch đều được cơ giới hóa 100%. Việc tính toán lượng giống, phân, thuốc, nước tưới được thực hiện bằng máy tính dựa trên các chỉ số quan trắc. Các địa phương ở ĐBSCL, điển hình là Đồng Tháp đang hướng đến những “Cánh đồng không dấu chân người”.
Cánh đồng không dấu chân người ảnh 1

Nông dân thu hoạch lúa tại HTX Mỹ Đông 2.

Giảm chi phí từ 20 - 30%

Trưa nắng gay gắt giữa tháng 3/2023, ông Hồ Văn Mười, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chạy xe gắn máy bon bon trên con lộ nội đồng. Hai bên là cánh đồng mênh mông xanh mướt.

“Đến nay lúa 50 ngày tuổi đang xanh tốt, giờ làm lúa khỏe re. Hơn nữa, tôi không cần bước chân xuống ruộng, tất cả đã cơ giới hóa, máy móc làm hết”, ông Mười tươi cười, nói.

Chạy một vòng trên con đường phẳng lỳ, xung quanh không bóng người, ông dừng tại trạm kiểm soát sâu rầy. Ông cho biết, trạm quản lý bằng cảm biến này do doanh nghiệp ở Trà Vinh thiết kế lắp đặt, hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Ban đêm tự sáng đèn, rồi dụ các côn trùng, sinh vật vào bẫy đèn.

Nhìn vào sẽ biết thiên địch có lợi hay hại để phòng trừ, khi cần sẽ thông báo phun thuốc đồng loạt bằng máy bay không người lái. Thiết bị giám sát sâu rầy thông minh với tính năng tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại và đưa ra các cảnh báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý.

“Trước đây đi thăm đồng phát hiện có sâu rầy là mạnh ai nấy vác bình phun thuốc nhưng giờ thì khác, đôi khi thiên địch có lợi mình không cần xử lý, để nó diệt côn trùng, giảm chi phí rất nhiều”, ông Mười hào hứng, nói.

Theo lời ông, 5 năm nay nông dân làm lúa không còn cảnh dầm mưa dãi nắng hay vác từng bình xịt thuốc nữa. Giờ có thiết bị không người lái làm thay, vừa nhanh, hiệu quả và tiết kiệm hơn trước. Đến bón phân, gieo sạ cũng máy móc làm thay, vừa đều lại không tổn hại sức khỏe. Tính ra giảm chi phí từ 20 - 30% so với truyền thống. Chưa kể, cánh đồng đều được đầu tư đồng bộ, đường sá ngon lành đến thăm đồng cũng chạy xe gắn máy, ô tô tận nơi.

Chạy dọc kênh nội đồng, ông Mười dẫn phóng viên xem cống dẫn nước vào ruộng lúa và khoái chí nói: “Tính riêng hệ thống dẫn nước được đầu tư bê tông, có kiểm soát, khi vào đủ sẽ tự động đóng cống lại, không lãng phí chảy tràn lan qua bờ mẫu. Kể cả thu hoạch lúa cũng chỉ cần chạy xe để đống bao ở bờ mẫu lúa mình rồi về nhà, xe chở ra bờ kênh cân lấy tiền, rồi doanh nghiệp chở lúa đi, khỏi phải lo cả”.

Sau gần một giờ chạy giữa cánh đồng mênh mông, ông Mười ghé vào điểm du lịch ngay đầu ruộng để nghỉ. Ông kể, vùng này trước đây mỗi năm trồng vụ 1 vụ lúa, hằng năm lũ về, người dân sống thêm nghề câu lưới. Về sau, nhà nước đầu tư đê bao làm 2 vụ rồi lên 3 vụ. Dần dà đưa cơ giới hóa vào thay con người. “Cánh đồng mênh mông, trước đây mỗi vụ thu hoạch hàng trăm người cùng làm từ sáng sớm đến chiều muộn nghĩ lại ngao ngán”, ông Mười nói.

Cánh đồng không dấu chân người ảnh 2

Anh Nguyễn Phước Hưng ngồi nhà cầm trên tay chiếc smartphone theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa của mình. Ảnh: Hòa Hội.

Thăm đồng bằng smartphone

Anh Nguyễn Phước Hưng (xã Mỹ Đông) là đời thứ 3 gắn bó với đồng ruộng xứ Đồng Tháp Mười. Gia đình anh có 6 ha lúa liên kết doanh nghiệp bao tiêu nên không lo đầu ra.

Anh Hưng bộc bạch: “Giờ làm lúa khỏe lắm, ở nhà cầm smartphone là biết được tình hình sâu bệnh hết. Hơn nữa tất cả đã cơ giới hóa từ làm đất cho đến thu hoạch và đến nay đã liên kết doanh nghiệp 11 năm”.

Vừa dứt lời, anh Hưng mở app điện thoại phần mềm quản lý sâu bệnh ra xem rồi cho biết, các chỉ số sâu bệnh và côn trùng đang trong ngưỡng an toàn. Nếu rảnh thì anh chạy xe gắn máy ra thăm đồng còn bận việc chỉ cần xem trên điện thoại là nắm được ruộng lúa của mình.

Hợp tác xã Mỹ Đông 2 thành lập năm 2013 với 813 ha. HTX có 1 khu cánh đồng lớn khoảng 500 ha, được UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư hệ thống trạm bơm tổng, đường nội đồng và hệ thống kênh dẫn nước đồng bộ.

Trong đó, có 170 ha thuộc Dự án “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” đã được nhà nước hỗ trợ đầu tư đồng bộ hệ thống đường nội đồng, kênh dẫn nước và đặc biệt là hệ thống bơm tưới thông minh từ năm 2017 (bơm tưới điều khiển từ xa).

Bên cạnh đó, toàn bộ diện tích cánh đồng lớn của HTX đang sử dụng các giống lúa chất lượng cao (OM5451, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM 18) và phần lớn diện tích đang sản xuất theo quy trình tiên tiến.

Ngoài ra, khoảng 350 ha của HTX đang sản xuất lúa nguyên liệu làm giống cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình sản xuất, từ khâu làm đất, bón phân, xuống giống, tưới tiêu, phun thuốc, thu hoạch đều được cơ giới hóa 100%. Việc tính toán lượng giống, phân, thuốc, nước tưới đều được thực hiện bằng máy tính dựa trên các chỉ số quan trắc.

Cánh đồng không dấu chân người ảnh 3

Ông Hồ Văn Mười, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 trên cánh đồng. Ảnh Hòa Hội.

Số hóa nông nghiệp

Nói về việc ứng dụng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, đây là giải pháp rút bớt lao động khỏi nông nghiệp. Nông dân áp dụng 4.0 vừa chuyên canh vừa giảm nhân công, quản lý bằng hệ thống máy thông minh, chủ yếu giám sát nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang hệ thống hóa mặt bằng ô ruộng đảm bảo để tiến tới công nghệ tưới ngập khô xen kẽ.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ giới hóa và số hóa đã giúp sản xuất nông nghiệp hiện đại và tiết kiệm chi phí hơn; đồng thời hạt lúa làm ra chất lượng và dễ tiêu thụ hơn.

Hiện nay tỉnh tiếp tục mở rộng mô hình “Cánh đồng không dấu chân người” sang các địa phương khác và gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nằm trong quy trình sản xuất theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, các tiêu chuẩn tiên tiến, ứng dụng công nghệ không người lái giảm phân thuốc; cùng với đó là giúp giảm chi phí giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân. Đặc biệt, khắc phục yếu điểm từ xưa đến giờ là phụ thuộc phân bón vô cơ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình để có những cánh đồng được hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa, chuyển đổi số.

“Trước hết, người dân khu vực đó đảm bảo sản xuất theo công nghệ tiên tiến. Đối với khu vực hay địa phương làm tốt thì sẽ đầu tư hạ tầng, công nghệ tưới ngập khô xen kẽ, tập trung thiết bị không người lái vào các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là đề xuất các đối tác công nghệ nghiên cứu thêm robot thăm dò trên thiết bị không người lái phun vào các điểm sâu rầy để giảm chi phí phân thuốc thay vì phun toàn bộ trên cánh đồng”.

“Trước hết, người dân đảm bảo sản xuất theo công nghệ tiên tiến thì sẽ được hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa, chuyển đổi số để có thêm nhiều “cánh đồng không dấu chân” trong thời gian tới. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính; đặc biệt là khắc phục yếu điểm từ xưa giờ đó là phụ thuộc phân bón vô cơ”.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

MỚI - NÓNG