Gần đây, thông tin một số đối tượng mang thuốc lá điện tử đến dụ dỗ học sinh Trường tiểu học Lại Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội hút thử gây xôn xao mạng xã hội khiến phụ huynh vô cùng lo lắng.
Ngay sau đó, hàng loạt trường học cũng đã gửi thông báo tới phụ huynh, học sinh thông qua các nhóm lớp trên mạng xã hội.
Bà Vương Hương Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã có thông tin cảnh báo tới cha mẹ học sinh về phòng chống thuốc lá điện tử.
“Thời gian qua, các trường học cũng đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá, các nguy cơ để phòng tránh. Bằng các hình thức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt lớp, trong thời gian tới, Phòng GD&ĐT cũng sẽ yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền cho học sinh”, bà Giang nói.
Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cũng yêu cầu tất cả các trường thông báo, cảnh báo tới cha mẹ học sinh được biết để cảnh giác.
UBND Quận Ba Đình cũng đã phát đi cảnh báo hiện tượng kẻ xấu rủ rê học sinh hút thuốc lá điện tử. |
Anh A.Đ phụ huynh có con học Trường tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, phụ huynh nhận được thông báo khẩn từ nhà trường với nội dung: Hiện nay, địa bàn TP Hà Nội xuất hiện một số đối tượng mang thuốc lá điện tử mời gọi trẻ em sử dụng. “Việc dụ dỗ học sinh tuy mới chỉ diễn ra ngoài trường học nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho học sinh. Đề nghị các gia đình nắm thông tin, quan tâm nhắc nhở các con nâng cao cảnh giác, không nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ, nhất là đồ ăn, đồ chơi, hút, ngửi….”.
Anh Trần Văn Quân, có con học lớp 5, Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, điều anh lo ngại nhất là trẻ con tò mò nên ai đó dụ dỗ, cho thuốc lá điện tử lại muốn thử. Đôi khi, các con sẽ giấu cô giáo và bố mẹ đưa lên lớp rủ bạn hút thử là điều nguy hiểm nhất.
“Ngoài việc cha mẹ nhắc nhở con, cũng rất mong cô giáo, nhà trường có giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nhận diện thuốc lá điện tử để tránh”, anh Quân nói.
Trên thực tế, cách đây chưa lâu, nhóm học sinh lớp 3, Trường tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã chung nhau hút thuốc lá điện tử dẫn đến 8 em có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn phải nhập viện Bạch Mai kiểm tra sức khoẻ. Nguyên nhân được cho là, một học sinh về quê nhặt được một điếu thuốc lá điện tử, lén gia đình mang lên lớp rủ các bạn hút cùng.
Sau khi sự việc xảy ra, trường học này gửi nội dung cảnh báo tới tất cả phụ huynh học sinh để phối hợp tuyên truyền cho con tránh xa các chất độc hại. Phía nhà trường cũng sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời yêu cầu giáo viên kiểm soát chặt chẽ học sinh khi ở trong trường, lớp.
Khó phát hiện học sinh hút thuốc lá điện tử
Về giải pháp ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực tác động tới học sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm Bạch Thị Thanh Huyền nói rằng, nhà trường thường xuyên đưa các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các chương trình sinh hoạt dưới cờ đầu tiên, giờ sinh hoạt lớp.
Các loại sản phẩm thuốc lá ngụy trang dưới nhiều hình dạng khó nhận diện. |
Ngoài ra, cũng theo bà Huyền, lâu nay, trong giờ học sinh đến trường, tan trường các lực lượng như: công an, dân quân tự vệ và thành viên Hội chữ thập đỏ… có mặt ở cổng trường vừa hỗ trợ, phân luồng phụ huynh, học sinh vừa đảm bảo an ninh, an toàn. Chưa kể, nhiều năm nay, trước cổng trường học cũng không còn quán hàng bán đồ ăn rong, đồ ăn vặt, đồ chơi màu sắc cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất, quận Ba Đình Trần Quốc Dương cho biết, học sinh hút thuốc lá điện tử luôn là mối lo của nhà trường, nhất là các em sẽ sử dụng theo nhóm. Học sinh THCS ở tuổi muốn thể hiện cái tôi của mình do đó có em sẽ chống đối nội quy, lén lút hút thử. Trường học hiện có nhiều giải pháp để phòng chống như: tăng cường vai trò giám sát của giáo viên chủ nhiệm trong lớp, đi kiểm tra hành lang, góc khuất trong trường học, thậm chí tổ bảo vệ còn đi tuần cả nhà vệ sinh…
“Tuy nhiên, việc phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học hiện gặp khó khăn vì trên thị trường bán tràn lan, ai cũng mua được. Các loại sản phẩm thuốc lá ngụy trang dưới nhiều hình dạng khó nhận diện”, ông Dương nói.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, ĐH giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, học sinh thường hay tò mò về những điều mới mẻ do đó khi có cơ hội các em thích bắt chước hoặc dùng thử cho biết. Tuy nhiên, đối với những thứ độc hại như thuốc lá điện tử, các em hút phải sẽ rất nguy hiểm.
"Các nhà quản lý giáo dục cần có cẩm nang an toàn trường học để cập nhật tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, thậm chí trên không gian mạng. Ngoài ra, trong bối cảnh thường xuyên xuất hiện các nội dung mới như: ma tuý tẩm thực phẩm, thuốc lá điện tử thế hệ mới nguỵ trang như đồ chơi… cũng cần được cập nhật để sớm cảnh báo phụ huynh, học sinh kịp thời", PGS.TS Trần Thành Nam.
Cũng theo ông Nam, thời gian qua xảy ra nhiều mối nguy về an toàn thực phẩm, tai nạn thương tích khi học sinh đi tham quan, trải nghiệm.
“Tôi cho rằng, cần có quy trình, quy định chặt chẽ, rõ người, rõ việc để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ví dụ, trong trường khu vực khuất phải có camera an ninh giám sát. Và nhà quản lý chiến lược cần có tầm nhìn, rà soát hết các mối nguy cơ đe doạ an ninh, an toàn trong trường học để vừa cảnh báo vừa có giải pháp ngăn chặn. Đối với các nội dung phòng chống ma tuý, thuốc lá xâm nhập trường học, cần tổ chức các chuyên đề sinh hoạt định kỳ cho học sinh, giáo viên”, ông Nam nói.