Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.
Chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao cấp Dầu khí Hòa Bình "chây ì" nợ hơn nghìn tỷ tiền đất. |
Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Bà N.T.T. , đại diện pháp luật Công ty TNHH Limitless World (Việt Nam) bị tạm hoãn xuất cảnh. Nguyên nhân là do Công ty Limitless World chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Theo danh sách nợ nộp thuế tính đến ngày 31/3/2024, Công ty TNHH Limitless World (Việt Nam) nợ thuế hơn 322 tỷ đồng… (Xem chi tiết)
Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ
Sau khi lãnh đạo doanh nghiệp bị “xộ khám”, nhiều dự án đã thay tên, đổi chủ chờ đổi vận.
Dự án D’.Palais de Louis của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đổi tên thành Hanoi Signature do Ramond Holdings làm chủ đầu tư. |
Như dự án D’.Palais de Louis tại số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy (Hà Nội) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh chính thức đổi tên thành Hanoi Signature, chủ đầu tư mới là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Ramond Holdings (Ramond Holdings). Hay dự án The Lotus Center tại Ciputra của Vimedimex cũng về tay chủ mới nhưng vẫn chỉ là khu đất trống quây tôn… (Xem chi tiết)
Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường ven Hà Nội và gắn liền với khu công nghiệp ghi nhận mức tăng 10-20%. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận một số khu vực có hiện tượng "tăng giá vô căn cứ".
Thị trường vùng ven Hà Nội ghi nhận một số khu vực có hiện tượng “tăng giá vô căn cứ”. |
Do đó, VARS đưa ra cảnh báo cần hết sức lưu ý để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục. (Xem chi tiết)
Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất mức xử phạt cao nhất đến 1 tỷ đồng với hành vi chiếm đất...
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, trường hợp chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu diện tích đất chiếm từ 01 héc ta trở lên. (Xem chi tiết)
Xin cải tạo chỗ làm việc nhưng 'hô biến' thành nhà hàng, quán bia
Được UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) chấp thuận cải tạo công trình cũ là khu văn phòng, kho xưởng với nhà khung sắt tại số 658 Trương Định, phường Giáp Bát nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về chỗ làm việc của doanh nghiệp nhưng Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội đã cho xây mới kiên cố, "hô biến" thành tổ hợp nhà hàng, quán bia.
Cổng công trình gắn biển "Cửa hàng Mậu Dịch quốc doanh - Công ty cổ phần bia Mậu Dịch". |
Người dân cho rằng, việc xin cải tạo khu văn phòng, kho xưởng với nhà khung sắt thành công trình kiên cố thì Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng. Đặc biệt, việc biến công trình này thành nhà hàng, quán bia liệu có đúng với mục đích sử dụng khu đất, có được cơ quan chức năng cho phép và có đảm bảo quy định PCCC hay không?. (Xem chi tiết)
Chung cư liên tiếp vỡ tiến độ chào bán đến 150 triệu đồng/m2
Dự án Tổ hợp nhà ở và văn phòng (tên thương mại Miracle Tower) tại số 8 Nguyên Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty Cổ phần in 15 liên tục vỡ tiến độ. Dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2017. Thời gian thực hiện dự án từ quý I/2017-quý III/2019. Tuy nhiên thời điểm đó, dự án "quây tôn" bỏ hoang. Đến tháng 5/2019, UBND TP có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đó, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ quý II/2020 đến quý IV/2022 phải hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng.
Dự án tổ hợp nhà ở và văn phòng (Miracle Tower) tại số 8 Nguyên Hồng. |
Thế nhưng theo ghi nhận của PV đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng, công nhân đang hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại. Hiện dự án xây xong phần thô đang được chào bán các căn hộ chung cư với giá từ 120-150 triệu đồng/m2. (Xem chi tiết)
Bên trong khu tập thể 'chờ sập' giữa Thủ đô
Chỉ bằng mắt thường có thể nhận thấy phần cốt thép của hai cầu thang trong khu tập thể thuộc quản lý của trường Đại học Thương Mại (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã hoen rỉ nặng có thể đổ sập.
Khu tập thể thuộc quản lý của trường Đại học Thương Mại. |
Đại diện trường Đại học Thương Mại cho biết, bản chất của khu tập thể E1 vốn dĩ là nhà ăn của trường. Sau đó, nhà trường cho các cán bộ, giáo viên mượn để làm nhà ở tạm thời. Do đó, các phòng được cải tạo thành căn hộ. Đến hiện tại, chỉ còn một số ít người được trường đại học Thương Mại cho mượn chỗ ở còn sinh sống trong khu tập thể, còn lại chủ yếu cho thuê lại các căn hộ. Cũng theo đại diện trường Đại học Thương Mại, hiện tại trường chưa có kế hoạch cải tạo lại khu nhà do gặp phải một số khó khăn chủ quan và khách quan. Đồng thời, sau nhiều thập kỷ, việc “đòi” lại khu nhà để cải tạo gặp phải rất nhiều thách thức. (Xem chi tiết)