Cảnh báo nguy cơ người truyền virus trở lại cho dơi, làm xuất hiện SARS-CoV-3

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: CGTN
Ảnh minh họa: CGTN
TPO - Trong tương lai, một loại virus corona mới (ví dụ SARS-CoV-3) có thể sẽ xuất hiện sau khi con người truyền lại virus SARS-CoV-2 cho dơi.

Thông tin trên được đưa ra bởi Giáo sư Wang Linfa (Dự án Bệnh truyền nhiễm Duke-NUS, Singapore) tại một hội nghị ngày 6/10.

Theo Giáo sư Wang, hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có liên quan đến một số loài dơi châu Á. Virus được truyền từ dơi qua “trung gian X” (tê tê hoặc cầy hương), trước khi truyền sang người.

“Sau đó, virus tiếp tục lây lan từ người sang người. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là loại virus này cũng có thể dễ dàng truyền từ người trở lại động vật”, ông Wang nói.

Đã có một số báo cáo về việc "thú cưng" lây virus SARS-CoV-2 từ chủ nhân, nhưng chưa có bằng chứng về con đường lây truyền ngược lại, từ "thú cưng" sang người.

Giáo sư Wang cho biết: “Sẽ thật đáng lo ngại nếu con người có thể truyền virus cho các vật chủ mới, ví dụ như dơi ở lục địa Mỹ, dù nơi đây vốn không phải 'hang ổ' tự nhiên của virus.”

Ông Wang đặt ra tình huống một người mắc COVID-19 vứt trái cây cắn dở ven đường, và một con dơi ăn tiếp số trái cây này rồi lây virus.

“Dơi có hệ thống miễn dịch rất độc đáo. Chúng có thể mang theo virus trong người mà không phát triển thành bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể đột biến và truyền sang các loài trung gian X, Y hoặc Z. Khi loại virus đột biến này đến với con người, nó có thể sẽ trở thành SARS-CoV-3”, Giáo sư Wang cảnh báo.

Về lý thuyết, virus sẽ thay đổi về mặt di truyền để thích nghi mỗi khi “nhảy” từ loài này sang loài khác.

“Càng lây lan giữa nhiều loài, virus càng biến đổi. Và một trong những virus mới này có thể trở thành SARS-CoV-3.”

Để đối phó với một đại dịch tương tự trong tương lai, Giáo sư Wang đề xuất ba giai đoạn chuẩn bị.

Giai đoạn đầu tiên là trước khi virus xuất hiện. Các nhà khoa học cần nghiên cứu các loại virus ở các loài động vật khác nhau, đặc biệt là những loài động vật mà con người buôn bán – tiêu thụ nhiều nhất.

Giai đoạn thứ hai là cảnh báo sớm. Khi số ca bệnh nặng gia tăng bất thường trong các phòng chăm sóc đặc biệt, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy một loại virus đã xuất hiện.

Giai đoạn cuối cùng, khi virus bắt đầu lây lan, các quốc gia cần tập trung phát triển vắc-xin và các phương pháp điều trị.

Giáo sư Wang là thành viên nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2 hồi đầu năm 2020, đưa Singapore trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (ngoài Trung Quốc) nuôi cấy thành công virus để bắt đầu sản xuất bộ xét nghiệm của riêng mình.

Ông cũng là thành viên Ủy ban Khẩn cấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập trong giai đoạn đầu bùng dịch. Ngày 30/1/2020, ủy ban này thông báo cho WHO rằng đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”.

Theo Straitstimes
MỚI - NÓNG