Theo báo cáo của Forest Trend, tuy Nga không phải là nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam nhưng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ. Mỗi năm kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nguồn này của nước ta chỉ trên dưới 20 triệu USD, chủ yếu là gỗ xẻ, gỗ dán và các loại ván, đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2018-2019. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2020 đã chiếm 85% so với tổng kim ngạch năm 2019. Chủng loại nhập khẩu nhiều nhất là gỗ Bạch Dương. .
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trend, cho biết, gỗ lậu đang trở thành vấn nạn tại Nga với tỉ lệ khoảng 10%-60% tổng lượng cung của nước này. Nguyên nhân tình trạng này là do diện tích rừng tại Nga quá rộng, gây khó khăn trong việc kiểm soát và tiêu cực trong các công ty lâm nghiệp. Một số băng đảng xã hội đen cũng tham gia trực tiếp vào khai thác và thương mại gỗ lậu. Thông thường gỗ lậu tại Nga được khai thác với các hình thức khác nhau như giấy phép khai thác giả, vượt quota cho phép v..v.
Lượng gỗ nguyên liệu tiềm ẩn nguy cơ bất hợp pháp nhập khẩu từ Nga vào Việt Nam chủ yếu qua ngả Trung Quốc. Kể từ khi thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên năm 2017, nguồn cung nguyên liệu gỗ cho nội địa Trung Quốc sụt giảm khoảng 50 triệu m3, nguồn này nhanh chóng được thay thế bằng nhập khẩu, trong đó lượng gỗ từ Nga chiếm lượng lớn. Khoảng 95% lượng gỗ khai thác vùng viễn đông và Siberia tiếp giáp với Trung Quốc đã nhập khẩu vào đây và đi tiếp sang nhiều vùng khác. Năm 2019, Chính phủ Nga đã cảnh báo Trung Quốc cần chấm dứt nhập khẩu gỗ lậu từ Nga, nếu không sẽ chấm dứt xuất khẩu hoàn toàn.
Trong khi đó mỗi năm Ukraine xuất khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam trị giá 11 triệu USD. Báo cáo của Tổ chức Earth Rights công bố tháng 6/2020 đã cảnh báo về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu Ukraine.
Theo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), gỗ dán Việt Nam trong tương lai có thể sẽ xuất hiện thêm các vụ cáo buộc về vi phạm luật chống bán phá giá, chống lẫn tránh thuế. Tình trạng một số DN lợi dụng nhập gỗ dán từ Trung Quốc về để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi, là có thật. Nếu không minh bạch, không triệt được nạn tiếp tay lẩn tránh xuất xứ thì trước sau gì cũng bị áp thuế.
Đến tháng 4/2020, Ủy ban thương mại Hàn Quốc (KTC) công bố kết quả điều tra sơ bộ và mức thuế tạm thời áp dụng với các sản phẩm gỗ dán Việt Nam ở mức 9,18-10,56%. Riêng 6 doanh nghiệp bị cáo buộc trước đó phải chịu mức áp thuế cao hơn.
5 tháng năm 2020, nhập khẩu gỗ dán của Việt Nam đạt trên 64,6 triệu USD. Nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh kèm theo đó là những rủi ro cho ngành gỗ. Kim ngạch xuất khẩu gỗ dán Việt Nam năm 2019 gần 800 triệu USD và là quốc gia duy nhất tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này, lên đến 19% so với năm 2018.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFORES cho biết, hiện gỗ dán Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế trên 200%, trong đó 184% là chống bán phá giá. Với mức thuế này, doanh nghiệp Trung Quốc không cách gì xuất sang Mỹ. Từ đó, nhiều dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc “dịch chuyển sản xuất” sang Việt Nam để lẩn tránh nguồn gốc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các DN Việt Nam làm ăn chân chính bị “vạ lây” bởi các trường hợp cố tình “tiếp tay”.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết hiện tại Cục đã hướng dẫn các thủ tục và công cụ để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các khai báo nhằm bảo vệ quyền lợi. Bên cạnh đó, Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động hợp tác cung cấp thông tin cho phía Mỹ để minh bạch nguồn gốc, đồng thời chỉ đạo rà soát và kêu gọi sự chung tay của các Hiệp hội ngành gỗ “chỉ mặt đặt tên” các doanh nghiệp cố tình “tiếp tay” để xử lý.