> Lào Cai dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Đáng lưu ý, năm nay tỉnh miền núi Lào Cai vươn lên ngôi đầu, đẩy Đà Nẵng, Bình Dương tụt 5 bậc.
Khu thương mại Lào Cai. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Lào Cai, Bắc Ninh dẫn dầu
Chỉ số PCI năm 2011 (lần thứ 7) do công bố hôm qua, 23-2, được khảo sát từ gần 7.000 doanh nghiệp trong nước và gần 2.000 doanh nghiệp nước ngoài, ở 63 tỉnh, thành. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó phòng Pháp chế (VCCI) cho biết, hai tỉnh Lào Cai (73,53 điểm), Bắc Ninh (67,27 điểm) vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng. Trong đó, Lào Cai ghi điểm tốt nhất cả nước, với 4/9 chỉ số thành phần, là chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động của lãnh đạo tỉnh.
Trong khi đó, Đà Nẵng sau ba năm đứng đầu liên tục, đã tụt xuống thứ 5, sụt giảm mạnh trong các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Bình Dương (từ thứ 5 tụt xuống thứ 10) giảm điểm trong chỉ số tính tăng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều ngạc nhiên ở chỉ số PCI 2011 là Hà Tĩnh (tăng 30 bậc, từ 37 lên bậc 7) và Bình Phước (tăng 28 bậc, từ 36 lên bậc 8) vươn lên tốp 10 tỉnh dẫn đầu.
“Hai tỉnh này đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thông qua ban hành chính sách của tỉnh về cải thiện chỉ số PCI, thành lập tổ công tác tập trung vào các lĩnh vực làm tăng điểm PCI. Cải thiện được chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai…”- ông Tuấn bình luận.
Năm 2010, Hà Nội đứng thứ 43, tụt 10 bậc so với năm 2009, thì năm 2011 Hà Nội đã tăng thêm 7 bậc, xếp ở vị trí 36. TPHCM sau ba năm tụt hạng liên tiếp, năm nay đã tăng thêm 3 bậc, đứng vị trí 20 trong 63 tỉnh, thành. Hai vị trí cuối bảng xếp hạng là Cao bằng (50,98 điểm) và Hà Nam (51,58). Trong đó, Cao Bằng bị điểm thấp nhất ở chi phí thời gian không chính thức, và tính minh bạch.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, dù kém lạc quan về triển vọng kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự cải thiện công tác điều hành của chính quyền địa phương. Điểm trung vị của PCI 2011 đạt 59,15 cao hơn gần một điểm so với các năm 2009-2010, cho thấy hầu hết các tỉnh tiếp tục cam kết cải cách điều hành kinh tế tại địa phương mình.
Nhóm nghiên cứu cũng bình luận: có hai sự kiện quan trọng diễn ra trước thời điểm khảo sát PCI là bầu bí thư tỉnh ủy ở 27 địa phương, Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2011. Đây là một vấn đề lý thú, cần phải nghiên cứu thời gian tới, liệu có tác động tới PCI 2011 hay không.
Giảm tham nhũng nhỏ, tăng tham nhũng lớn
So với năm trước, PCI năm 2011 ghi nhận từ các địa phương về thời gian xin cấp phép đăng ký kinh doanh và giấy phép có giảm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nhiều hơn, việc tiếp cận tài liệu của tỉnh dễ dàng hơn, đã có sự chuyển biến của cải cách hành chính, yêu cầu chi các khoản không chính thức của cán bộ nhà nước giảm đáng kể.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% tổng thu nhập để chi trả chi phí không chính thức đã giảm từ 13% năm 2006, còn 7% năm 2011. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo, dù tham nhũng nhỏ có biểu hiện giảm, nhưng tham nhũng quy mô lớn như “lại quả” khi ký kết hợp đồng mua sắm tài sản công, hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở lại gia tăng theo thời gian. Có 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước cho biết, việc chi trả “hoa hồng” là phổ biến, so với mức 41% của năm trước.
PCI năm 2011 cũng khảo sát gần 2.000 doanh nghiệp FDI, từ 45 nước trên thế giới, hoạt động ở 61 tỉnh thành, doanh nghiệp FDI ít lạc quan về tình hình kinh doanh, không đánh giá cao nỗ lực kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương.
Mặc dù tham nhũng nhỏ gây phiền toái cho doanh nghiêp có giảm, nhưng tham nhũng lớn còn nguy hiểm hơn, vì làm tăng sự bất công giữa lợi ích của nhóm ít người có quan hệ tốt với chính quyền và phần còn lại, ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp, người dân vào bộ máy nhà nước.
Vì sao Đà Nẵng tụt hạng ? Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Đức Thơ – GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư Đà Nẵng cho rằng, bảng xếp hạng chỉ là tương đối và chưa thể phản ánh hết nội lực cũng như sức hấp dẫn của một địa phương. Thành phố càng lớn, kinh tế càng phát triển và nhiều DN làm ăn trên địa bàn thì càng phức tạp, như Hà Nội hay TPHCM chẳng hạn. Là hai trung tâm kinh tế lớn nhưng lúc nào cũng thấp chỉ số PCI. Đà Nẵng đã giữ số 1 ba năm liền, không thể đứng nhất mãi được. Chỉ cần một vài chỉ số, tiêu chí bị đánh giá thấp chút xíu là sẽ tụt hạng ngay. Theo ông Nguyễn Diễn – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, dù chính quyền đã rất thân thiện, cởi mở với DN, mọi thủ tục hành chính đều hanh thông, nhưng trong vòng 2 – 3 năm qua, lãnh đạo Đà Nẵng vẫn chưa một lần đối thoại trực tiếp với các DN. Cần phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, đòi hỏi của các DN ở chính quyền là gì, khi đó, đánh giá của DN đối với chính quyền mới tốt hơn được. Biết lắng nghe doanh nghiệp Chia sẻ bí quyết soán ngôi đầu, ông Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nói: “Quan điểm của chúng tôi là “doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bên cạnh việc xây dựng chiến lược phát triển KT-XH trung, dài hạn, Lào Cai cải cách thủ tục hành chính, giám sát tận các đơn vị, không gây phiền hà, cản trở cho người dân và doanh nghiệp. Các thông tin, tài liệu của tỉnh đều được công báo trên trang thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng hải quan điện tử; tăng cường giao lưu, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, có những điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương”. |