Cảnh báo cho biển Đông từ bài học đau đớn của Nhật Bản

Trận chiến trên đảo Saipan. (Ảnh: CNN)
Trận chiến trên đảo Saipan. (Ảnh: CNN)
TPO - Đầu tháng 7/1944, trên một hòn đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương, Mỹ giáng một đòn thảm khốc lên Nhật Bản và tạo nên một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong Thế chiến 2.

Khoảng 29.000 lính Nhật, tức gần như toàn bộ lực lượng mà Tokyo đưa đến đảo Saipan, bị tiêu diệt. Mỹ mất gần 3.000 lính và hơn 10.000 người bị thương. Đó là sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến của thế giới.

Không lâu sau trận chiến ở Saipan, Mỹ chiếm luôn 2 đảo Tinian và Guam gần đó. Trên 3 đảo này, Mỹ xây các đường băng đủ sức tiếp nhận loại máy bay ném bom hạng nặng B-29, loại máy bay ném bom lớn nhất trong Thế chiến 2.

Chỉ trong vòng vài tháng, những chiếc B-29 đó đã đốt cháy những dải đất rộng lớn của Tokyo và san phẳng những nhà xưởng hỗ trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nhật Bản.

Có thời điểm sân bay của Mỹ ở đảo Tinian, cách đảo Saipan 9km, là sân bay lớn nhất thế giới, với 6 đường băng đủ sức tiếp nhận gần 270 chiếc B-29.

Vào tháng 8/1945, những chiếc B-29 cất cánh từ Tinian thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, dẫn đến sự kiện Nhật Bản đầu hàng. 

Cảnh báo cho biển Đông từ bài học đau đớn của Nhật Bản ảnh 1 Vị trí 3 đảo Tinian, Siapan và Guam

Trên vùng biển Đông rộng khoảng 1,3 triệu dặm vuông, Trung Quốc đã xây các đường băng và cơ sở quân sự để củng cố đòi hỏi chủ quyền vô lý của họ, điều mà Mỹ nói là đang đe dọa tự do đi lại.

Những cơ sở hạ tầng đó cũng giúp Trung Quốc gia tăng phạm vi tấn công vì có thể triển khai máy bay từ nơi mà nước này chưa chiếm đóng trước đây.

“Các máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc nếu cất cánh từ các đảo (ở biển Đông) thì chắc chắn là vấn đề”, CNN dẫn lời ông Peter Layton, một chuyên gia quân sự tại Viện Griffith châu Á tại Úc. “Nó sẽ cho phép tấn công bằng cách phóng tên lửa hành trình từ trên không xuống các phi trường và bến cảng miền bắc nước Úc, đẩy bất kỳ máy bay ném bom và xe tăng của Mỹ nào ở đó vào thế rủi ro”, ông Layton nói.

Điều đó có nghĩa là những nơi như căn cứ không quân RAAF Base Tindal, gần đảo Darwin ở miền bắc nước Úc, cần được bảo vệ trước một “mối đe dọa phức tạp”, ông Layton nhận định.

“Đây sẽ là một thay đổi lớn”, vì những căn cứ như vậy trước đây vẫn được coi là nằm ngoài tầm tấn công của Trung Quốc từ trên không, ông Layton cho biết.

Nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề này, một báo cáo năm 2018 của hãng tư vấn RAND Corp. khuyến cáo các chiến dịch tập trận chung trên không giữa Mỹ và Úc cần tính đến hành động bất ngờ từ Trung Quốc.

Lực lượng Mỹ và Úc định kỳ tổ chức huấn luyện chung ở Darwin. Gần đây nhất là vào tháng 5, các phi công của không quân Mỹ và không quân hoàng gia Úc tham gia huấn luyện song phương ở vùng lãnh thổ phía bắc của Úc.

Mở rộng tầm tấn công

Cảnh báo cho biển Đông từ bài học đau đớn của Nhật Bản ảnh 2 Một máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc bay trên biển Đông vào tháng 7/2016

Ông Carl Schuster, một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ và là một hướng dẫn viên tại ĐH Thái Bình Dương Hawaii, nói rằng việc xây dựng đường băng trên biển Đông giúp các máy bay ném bom cỡ lớn nhất của Trung Quốc là H-6K mở rộng phạm vi hoạt động thêm 1.000 dặm.

Những máy bay đó có thể mang tên lửa hành trình tầm xa, khiến chúng tránh xa tầm bắn của các hệ thống phòng không.

Theo ông Schuster, năm 1944, Mỹ có một kẻ thù cụ thể ở khu vực, là Nhật Bản. Còn năm 2019, Trung Quốc đang tìm cách tạo ảnh hưởng ở hàng loạt quốc gia.

“Bằng cách kiểm soát biển Đông, Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh trên biển và trên không ra tận các vùng phía tây của Thái Bình Dương, eo biển Malacca, Sundra và Lombok”, ông Schuster nói.

Điều đó nghĩa là Trung Quốc có thể “kiểm soát đường ra và đường vào của lực lượng hải quân và thương mại vào và ra khỏi Ấn Độ Dương, nơi 45% hàng xuất khẩu và 60% nguyên liệu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua, ông  Schuster đánh giá.

Ảnh hưởng của những đường băng và cơ sở quân sự trên các đảo ở biển Đông cũng mở rộng lên phía bắc.

“Sự kiểm soát đó mở rộng vùng đệm phòng thủ xuống phía đông nam thêm gần 600 dặm, và bảo đảm lợi thế trước Nhật Bản và Đài Loan, trong khi những vùng biển này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với những nền kinh tế đó”, ông Schuster nói.

Trung Quốc vẫn nói rằng các đường băng và tài sản quân sự mà họ đưa ra biển Đông chỉ nhằm mục đích phòng vệ, để bảo vệ thứ mà họ gọi là lãnh thổ chủ quyền. 

Cảnh báo cho biển Đông từ bài học đau đớn của Nhật Bản ảnh 3 Các máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc đang đậu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Chuỗi tiếp tế

Các đảo nhỏ không chỉ có thể giúp một nước mở rộng sức mạnh của máy bay và tên lửa mà còn tạo nên lợi thế quan trọng cho bất kỳ quân đội nào, giống như cách đảo Saipan mang lại cho người Mỹ trong Thế chiến 2: rút ngắn đường tiếp tế và triển khai lực lượng mặt đất.

Saipan từng trở thành nơi quan trọng để hỗ trợ các chiến dịch của Mỹ ở những đảo gần trung tâm Nhật Bản, như Okinawa, giúp duy trì những chiến dịch đó dễ dàng hơn. Trên biển Đông, cơ sở hạ tầng trên các đảo có thể giúp tàu Trung Quốc có nơi trú ẩn an toàn, nghỉ ngơi và tái nạp nhiên liệu mà không cần quay về căn cứ ở Trung Quốc đại lục.

Trong khi biển Đông đang đối với mặt với rủi ro nổ ra xung đột, các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trên vùng biển này sẽ tạo cho họ lợi thế khác biệt nếu chiến tranh nổ ra.

Và, như cách Nhật Bản không thể đảo ngược thất bại trong trận chiến ở Saipan năm 1944, một số người đang băn khoăn rằng giờ có phải đã quá muộn để Mỹ cùng các đồng minh và đối tác ở châu Á đảo ngược tình thế sau khi Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn xây dựng trên các đảo họ chiếm đóng ở biển Đông.

Những đảo đó “cho phép Trung Quốc thống trị khu vực trung tâm Asean. Không quốc gia nào ở khu vực...có thể đảo ngược mối đe dọa từ các đảo đó”, ông Layton đánh giá.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG