Căng thẳng Trung Đông dâng cao sau khi ông Trump hạ lệnh giết tướng Iran

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei có bài phát biểu hôm 1/1. (Ảnh: Reuters)
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei có bài phát biểu hôm 1/1. (Ảnh: Reuters)
TPO - Vụ không kích của Mỹ để tiêu diệt tướng Iran Qasem Soleimani là một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất trong ngày hôm nay. Nhân vật này chính là người chỉ huy các chiến dịch quân sự của Iran trên khắp Trung Đông.

Đài truyền hình Iraq hôm nay đưa tin ông Soleimani, tư lệnh đội đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, thiệt mạng vì đoàn xe của ông trúng rốc-két ở gần sân bay quốc tế Baghdad. Lầu Năm góc sau đó xác nhận đó là cuộc không kích do Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo để tiêu diệt ông Soleimani.

Năm 2018, Tướng Joseph Votel, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông hồi đó, giải thích về vai trò của ông Soleimani như sau: “Bất kể khi nào bạn nhìn thấy hoạt động của Iran, bạn sẽ thấy Qasem Soleimani, dù ở Syria, ở Iraq hay Yemen, ông ta ở đó và chính là lực lượng Quds, tổ chức mà ông ta đứng đầu. Tôi nghĩ đó là mối đe dọa chính khi chúng ta nhìn vào khu vực này và là mối đe dọa chính gây ra các hoạt động bất ổn”.

Trong thập kỷ qua, Iran đã tiến hành các cuộc chiến tranh đại diện trên khắp Trung Đông, như ở Iraq, Syria và Yemen, cũng như kiểm soát hầu hết Li-băng thông qua lực lượng nối dài ở đây là Hezbollah. Soleimani được cho là người phụ trách tất cả những chiến dịch này. 

Soleimani cũng giám sát các chiến dịch nhằm vào lực lượng của Mỹ ở Iraq do lực lượng dân quân Shia thực hiện. 

Dù muốn giảm bớt can dự vào chiến tranh ở Trung Đông, Tổng thống Trump vừa chứng tỏ rằng ông sẵn sàng đáp trả bằng quân sự khi mạng sống của người Mỹ gặp rủi ro. Ông đồng ý triển khai 5 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Iraq và Syria vào cuối tuần qua để tiêu diệt lực lượng dân quân được Iran hâu thuẫn và bị Mỹ cáo buộc là thủ phạm gây ra vụ tấn công gần đây nhằm vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, khiến một nhà thầu Mỹ và nhiều quân nhân Mỹ bị thương. 

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là Iran sẽ phản ứng như thế nào sau vụ này. Trong những tháng gần đây, Iran triển khai các vụ tấn công dường như được thiết kế để quấy rối Mỹ và đồng minh, nhưng không dẫn đến một cuộc chiến tổng lực. 

Tháng 6 năm trước, Iran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Ban đầu, hành động quân sự của Mỹ dường như là điều chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng ông Trump sau đó rút lại quyết định không kích Iran. 

Ba tháng sau, một đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái dội vào 2 trong số những cơ sở dầu khí quan trọng nhất thế giới ở Ả-rập Xê-út. 

Tổng thống Trump khi đó viết trên Twitter rằng Mỹ đã “lên đạn và khóa nòng, tùy thuộc vào thông tin thẩm tra” ai đứng sau các cuộc tấn công. Nhưng khi chính quyền Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, ông Trump lại không muốn lao vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông và không phê chuẩn một chiến dịch quân sự để đáp trả vụ tấn công nhằm vào đồng minh gần gũi của Washington. 

Nhưng đến tháng 10, ông phê chuẩn một chiến dịch mạo hiểm ở Syria để bắt hoặc tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, rồi nay chỉ đạo cuộc không kích nhằm tiêu diệt Soleimani, người có bàn tay bị cho là dính nhiều máu của người Mỹ. 

Cuộc không kích hôm nay nhằm tiêu diệt tướng Soleimani cho thấy ông Trump dường như ngày càng tự tin vào việc sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng vụ ám sát này sẽ khiến Iran quyết liệt hơn trong nỗ lực chống lại Mỹ. Lực lượng vệ binh cách mạng Iran tuyên bố rằng các lực lượng chống Mỹ sẽ có hành động trả thù trên khắp thế giới Hồi giáo. 

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm nay nói rằng vụ ám sát sẽ làm tăng gấp đôi động lực chống lại Mỹ và Israel.

“Mọi kẻ thù nên biết rằng các chiến binh kháng chiến sẽ tiếp tục sứ mệnh với động lực tăng gấp đôi, và một chiến thắng quyết định đang chờ đợi các chiến binh trong cuộc thánh chiến này”, ông Khamenei nói trong bài phát biểu được phát trên truyền hình. Iran quyết định dành 3 ngày quốc tang để tưởng niệm tướng Soleimani. 

Ông Trump chưa đưa ra phát biểu nào nhưng đã đăng bức ảnh lá cờ Mỹ trên tài khoản Twitter. 
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng cuộc tấn công được thực hiện mà không hỏi ý kiến Quốc hội và không được chấp thuận sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Iran. 

Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi lên án vụ tấn công là vi phạm các điều kiện cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq và là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq, có thể dẫn đến chiến tranh. 
Tại Israel, chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa có phản ứng gì về vụ tấn công. Nhưng đài phát thanh quân đội Israel cho biết quân đội nước này đang được đặt trong tình trạng báo động cao. 

Nhân vật quyền lực
Ông Soleimani là một trong những lãnh đạo quân đội uy tín nhất của Iran. Ông có tiếng là một trong những người quyền lực và bí ẩn nhất ở Trung Đông. 

Ông được Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ca ngợi là “tử sĩ sống” và là một nhân vật chủ chốt ở Iraq sau khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ năm 2003, là người xây dựng lực lượng dân quân và tạo nên tầm ảnh hưởng của Iran trên khắp vùng đất hình bán nguyệt của người Shia, trong đó có Syria. Ông giúp chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vượt qua phong trào nổi dậy bạo lực và cuộc nội chiến trong 9 năm qua. Tại Iraq, ông sử dụng các mối quan hệ của mình để chống Mỹ, lực lượng khủng bố Sunni và các lực lượng dân quân trong thời gian Mỹ hiện diện quân sự ở đây. 

Ông Soleimani nhiều lần bị đồn là đã chết, trong đó có vụ tai nạn máy bay năm 2006 khiến nhiều sĩ quan quân đọi thiệt mạng ở miền tây bắc Iran và vụ đánh bom năm 2012 ở Damascus, khiến các trợ lý hàng đầu của ông Assad thiệt mạng. Gần đây nhất, tin đồn lan truyền vào tháng 11/2015 rằng ông Soleimani bị tiêu diệt hoặc thương nặng khi đang dẫn đầu lực lượng trung thành với ông Assad trong trận chiến ở TP Aleppo. 

“Đối với người Shiites ở Trung Đông, ông ta là James Bond, Erwin Rommel và Lady Gaga kết hợp làm một”, cựu chuyên gia phân tích của CIA Kenneth Pollack viết trong bài viết đăng trên tạp chí Time năm 2017. “Đối với phương Tây, ông ta chịu trách nhiệm xuất khẩu cuộc cách mạng Hồi giáo của Iran, hỗ trợ khủng bố, lật đổ các chính phủ thân phương Tây và triển khai các cuộc chiến ở nước ngoài của Iran”. 

Một cuộc khảo sát thực hiện năm 2018 của hãng IranPoll và ĐH Maryland (Mỹ), cho thấy ông Soleimani nhận được tỷ lệ ủng hộ lên tới 83%, cao hơn cả Tổng thống Iran Hassan Rowhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif.

Các lãnh đạo phương Tây coi ông Soleimani là nhân vật trung tâm trong quan hệ của Iran với các nhóm dân quân ở khu vực, trong đó có lực lượng Hezbollah ở Li-băng và Hamas ở Palestine.

Theo theo Reuters, CNN
MỚI - NÓNG