Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan giám sát

Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan giám sát
TP - Nhiều chuyên gia cho rằng việc chủ đầu tư lấy đi 20.000 ha rừng nhưng chỉ trồng lại được 735ha (theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội) là quá thấp. Do vậy, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát việc trồng bồi hoàn rừng.

> Loại bỏ 424 dự án thủy điện
> Phá rừng phòng hộ để... trồng rừng

Trách nhiệm thuộc về đơn vị phê duyệt ĐTM

TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Đánh giá Tác động Môi trường cho hay, về nguyên tắc, đơn vị nào phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) thì đơn vị ấy phải có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã phê duyệt trong ĐTM. Nếu trong ĐTM quy định phải trồng bồi hoàn diện tích rừng đã mất vì xây dựng thủy điện thì đơn vị phê duyệt có trách nhiệm giám sát việc thực hiện bồi hoàn diện tích ấy.

 Nếu trong ĐTM quy định phải trồng bồi hoàn diện tích rừng đã mất vì xây dựng thủy điện thì đơn vị phê duyệt có trách nhiệm giám sát việc thực hiện bồi hoàn diện tích ấy

TS Nguyễn Khắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Đánh giá Tác động Môi trường

Theo quy định của Nghị định 29/2011/NĐ-CP, việc phê duyệt ĐTM hiện nay thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng có quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình. “Các đơn vị trên có thể không trực tiếp làm công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi hậu ĐTM mà có thể giao cho một đơn vị cụ thể nhưng đầu mối trách nhiệm vẫn thuộc về đơn vị phê duyệt”, ông Kinh nói.

Theo vị chuyên gia này, tỷ lệ 3,7% diện tích bồi hoàn là quá thấp, cho thấy sự lỏng lẻo và yếu kém trong công tác giám sát, kiểm tra hiện nay trong việc thực hiện bồi hoàn diện tích đất rừng đã mất do thủy điện. Cần phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những bên liên quan.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ cho hay, theo quy định, chủ đầu tư chuyển đổi bao nhiêu diện tích rừng sang làm thủy điện thì phải trồng bồi hoàn từng đó diện tích.

Tỷ lệ rừng trồng bồi hoàn chỉ đạt 3,7% có thể lý giải bằng hai nguyên nhân: Thứ nhất là do địa phương không còn diện tích để trồng rừng thay thế, nên thay vì trồng rừng, nhiều doanh nghiệp chọn biện pháp nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Địa phương sẽ điều hành việc trồng rừng thay thế bằng việc chỗ nào trồng rừng hỏng thì trồng bù, chỗ nào thiếu rừng sẽ trồng bổ sung hoặc dùng để tái tạo, phát triển rừng.

Nguyên nhân thứ hai, theo GS Lung là do doanh nghiệp trốn nhiều. Từ trước đến nay, nếu tính theo công suất của nhà máy thủy điện thì tỷ lệ phá rừng do thủy điện là rất nhiều. Chuyện doanh nghiệp lách luật là bình thường, quan trọng nhất là việc Nhà nước giám sát, quản lý và có chế tài như thế nào. GS Lung cho rằng hệ thống giám sát nói chung ở Việt Nam, cụ thể là việc giám sát trồng rừng bồi hoàn hiện nay yếu.

TS Nguyễn Khắc Kinh bổ sung thêm, về mặt nguyên lý không phải cứ diện tích nào mất đi là có thể trồng bù được diện tích ấy vì có những loại cây chỉ sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhất định. Vì thế, ngay cả tỷ lệ trồng rừng phục hồi là 3,7% cũng chưa nói lên được việc bảo vệ môi trường vì đó chỉ là tỷ lệ che phủ. Diện tích rừng ấy liệu có duy trì được chức năng sinh thái hay không còn phải bàn.

Vẫn dựa vào ý thức chủ đầu tư

Theo ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Phê duyệt Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong ĐTM, nếu phải trồng rừng bồi hoàn thì bao giờ cũng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với UBND địa phương tìm địa điểm và lên kế hoạch thực hiện.

Cơ quan đã phê duyệt ĐTM có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thực thi những yêu cầu đã phê duyệt trong ĐTM trên thực tế. Tuy nhiên theo ông Dung, việc thực hiện giám sát, kiểm tra chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp có hồ sơ báo cáo lên cơ quan phê duyệt về việc thực hiện các cam kết. Trên cơ sở đó, cơ quan phê duyệt mới có cơ sở để tiến hành kiểm tra, giám sát.

Việc thực thi trồng rừng bồi hoàn, vì thế vẫn dựa chủ yếu vào ý thức của doanh nghiệp. Tỷ lệ trồng rừng bồi hoàn quá thấp, theo ông Dung: “Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Tất nhiên trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng có”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG