+ Dịch hạch, thổ tả, đậu mùa…đã trôi vào dĩ vãng. Liệu tất cả những gì tồi tệ nhất đối với nhân loại đã không còn tồn tại?
- Hoàn toàn ngược lại! Một số mầm bệnh cũ, từ lâu đã quên lãng nay lại xuất hiện. Thí dụ điển hình là sự hồi sinh của các bệnh như lao phổi hoặc bệnh giang mai.
+ Tại sao, thưa giáo sư?
- Một phần vì lỗi của chính chúng ta. Con người đang sống thoải mái hơn, hiện đại hơn, nhanh hơn, chúng ta muốn lúc nào cũng có phong độ như ý, vậy nên với mọi thứ bệnh, thậm chí cảm lạnh, chúng ta buộc phải nhanh chóng loại bỏ bằng cách – bất kể cần hay không – sử dụng thuốc kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh dẫn đến tình trạng mầm bệnh kháng thuốc, nhiều bệnh do vi trùng đã biết từ lâu gây ra bây giờ trơ lì với cả những thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất.
Thí dụ điển hình là penicylin, sản phẩm do Flening phát hiện năm 1928. Nó phát huy tác dụng tuyệt vời, nhưng chỉ thời gian đầu. Sau đó thực tế cho thấy, đáp lại penicylin chớp nhoáng xuất hiện vô số chủng mới kháng thuốc và cần phải tìm kiếm vũ khí mới. Thí dụ khác – khuẩn hình que đã tự hoàn thiện tới mức có thể sản xuất enzim đặc biệt có tác dụng phân hủy mọi loại thuốc kháng sinh, có thể vô hiệu hóa thậm chí cả vankomycyn – biệt dược cực mạnh.
Còn nhiễm bệnh do Klebsiell pnuemoniae trong môi trường bệnh viên? Vi khuẩn này đề kháng với mọi loại thuốc. Phần lớn nạn nhân tử vong.
+ Tất cả do lạm dụng thuốc kháng sinh?
- Không chỉ có vậy. Chúng ta sử dụng ngày càng nhiều các chất hóa học, trong đó có Cytostatyk nhằm tiêu diệt tế bào ung thư hay các Steryd trong điều trị nhiều chứng bệnh. Hệ đề kháng của cơ thể bị suy yếu do tác dụng phụ của những hợp chất đó. Khi ấy những mầm bệnh từng không có cơ may gây hại, nay đã trơ lỳ với thuốc, đến lúc lên tiếng.
Xin nhắc lại câu chuyện DDT, một chất hóa học từng được sử dụng rộng rãi để tiêu diệt muỗi sốt rét, hệ quả bệnh sốt rét không kết thúc như con người mong muốn. Bệnh sốt rét vẫn tồn tại, muỗi sốt rét còn thinh vượng hơn, trong khi tác dụng phụ nguy hiểm hơn nhiều là tình trạng mất cân bằng giữa các vi sinh vật sống trong lòng đất, làm xuất hiện những biến dạng mới. Một trong số đó sống trong nước ấm, kể cả bể bơi, có thể thâm nhập vào hệ thần kinh của con người và gây ra viêm não. Cũng may đó chỉ là trường hợp hiếm gặp, song thực tế đã cho thấy: việc lạm dụng thuốc hóa học dễ trở thành vũ khí phản chủ. Bởi chuyện gì đã xảy ra? DDT đã vô tình động viên vi sinh vật tìm kiếm những khả năng mới tấn công con người.
+ Theo giáo sư, có mối liên hệ gì giữa sự quay lại của bệnh lao phổi, giang mai hoặc sự gia tăng các ca nhiễm bệnh AIDS?
- Sống trong môi trường bị hóa học hóa nặng nề, chúng ta không thể duy trì trạng thái cân bằng dưới sự chi phối của cuộc cách mạng sinh học. Lấy thí dụ cụ thể - mầm bệnh tự xoay sở hoàn hảo, chính là virus HIV. Cơ chế hoạt động của nó dựa trên sự hủy diệt có hiệu quả hệ đề kháng của cơ thể. Nhân tố tạo điều kiện phát triển cho tất cả mầm bệnh.
+ Con người lại chết vì bệnh lao phổi?
- Vấn đề chủ yếu liên quan đến những người đã nhiễm HIV. Cấn phải biết rằng, 95% dân cư, tức gần như tất cả, đều đã từng tiếp xúc với phẩy trùng lao. Nói một cách hình ảnh, vì đã biết hiẻm họa - hệ đề kháng của cơ thể đã “giam chúng vào hộp kéo”. Hộp kéo không mở va và chúng ta không ngã bệnh – nếu duy trì cuộc sống bình thường. Tuy nhiên gặp thời điểm thích hợp – khi hệ đề kháng suy sụp: vì hậu quả ốm đau, ung thư, chiếu chụp X-quang hoặc virus HIV, “hộp kéo” có thể mở cửa. Phẩy trùng lao lập tức thoát ra và tấn công những bộ phận mẫn cảm nhất. Chúng có thể gây lao nhiễm màng não, gây tỏn thương thận hoặc hệ tiêu hóa.
+ Thật sự hoang mang, khi nghe giáo sư trình bày.
- Chúng ta đang sống trong môi trường phụ thuộc lẫn nhau: thế giới các vi sinh vật, thế giới động vật, thế giới thực vật và chúng ta. Tất cả đều muốn có cuộc sống thoải mái. Vì thế chúng ta cạnh tranh với nhau. Nếu con người muốn thực hiện vai trò lãnh đạo, bắt buộc phải kiềm chế các thế giới còn lại. Và không quên rằng, giống con người – những thành phần còn lại tham gia cuộc chơi này cũng liên tục tiến hóa và tìm kiếm điều kiện để sinh tồn. Để hiểu như vậy, chúng ta sẽ có hiệu ứng ở dạng, thí dụ như trường hợp vi trùng kháng thuốc đã kể ở phần đầu.
Các vi sinh vật không ngừng biến đổi, cải biên, tìm kiếm những con đường mới, để vượt qua rào cản. Một số thậm chí đã vượt qua giới hạn loài – thí dụ điển hình là đại dịch SARS nổi tiếng gây hội chứng suy hô hấp cấp từng xảy ra đầu thế kỷ. Nó xuất hiện thế nào? Virus đặc trưng đối với động vật sống trong môi trường con người, đã “đạt được thỏa thuận” với virus tương tự đặc trưng đối với con người và tạo ra một chủng mói, nguy hiểm với cả hai.
+ Giáo sư nói rằng, bệnh giang mai cũng trở lại?
- Đúng vậy! Khuẩn giang mai đang kỳ hồi sinh mạnh mẽ. Ngoài lây nhiễm phổ biến qua đường sinh hoạt tình dục, còn có thể bị lây nhiễm giang mai, thí dụ,qua đường vòm miệng. Như vậy, so với virus HIV, giang mai có nhiều hơn hẳn phương tiện phát tán. Chỉ cần tình huống, gọi là giới tính đối ứng.
+ Biểu hiện đầu tiên của giang mai?
- Bao giờ cũng là sự thay đổi nào đó: vết thương nhỏ, mụn nhọt hoặc phồng rộp da, có thể tự biến mất trong một số trường hợp. Với thực tế phong phú các dạng làm tình cần phải lường trước khả năng triệu chứng có thể xuất hiện tại nhiều địa điểm khác nhau trên cơ thể. Vì thế tôi luôn nhắc nhở các đồng nghiệp trẻ: kỹ thuật thăm khám là quan trọng, song phỏng vấn của bác sĩ thường vô giá. Cần phải tìm hiểu bệnh nhân về nghề nghiệp, tập tục, thói quen sinh hoạt. Trò chuyện như thế rất khó, đòi hỏi sự tế nhị và kín đáo, song nhiều khi đảm bảo một nửa kết quả.
Giang mai giai đoạn cuối tấn công hệ tim- mạch, tiếp theo tấn công hệ thần kinh trung ương. Không chữa trị, bệnh sẽ dẫn đến tử vong. Thực tế đáng lo ngại, bởi ngày càng nhiều phụ nữ không biết mình mang bệnh sinh con với giang mai bẩm sinh.
+ Có thể nhận biết trẻ mắc bệnh bằng mắt thường?
- Có thể. Trẻ sinh ra với nhiều khuyết tật bên ngoài và bên trong cơ thể. Vì thế trong thời gian chăm sóc phụ nữ mang thai, các bác sĩ cần tế nhị song dứt khoát gợi ý sản phụ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phát hiện giang mai. Không ít chị em có thể mếch lòng vì đề nghị này, song theo kinh nghiệm cuộc sống và nghề nghiệp, tôi biết, tốt nhất nên làm xét nghiệm để loại trừ khả năng xấu nhất, thay vì để lọt con bệnh. Vả lại không hiếm trường hợp, thậm chí vợ chồng sống nghiêm túc vẫn bị lây nhiễm trong một lần “ăn vụng” nào đó đã lâu trong quá khứ. Sau đó người phụ nữ nhiễm bệnh đổ sang con và nỗi bất hạnh đã sẵn sàng.
+ Giáo sư đánh giá thế nào về mức độ gia tăng nạn nhân giang mai?
- Rất tiếc không có số liệu chính thức. Đa số bệnh nhân hoặc hoàn toàn không chữa trị, hoặc chữa trị tại các phòng khám tư. Phòng khám tư không có nghĩa vụ tường trình với cơ quan chức năng. Tôi chỉ có thể khẳng định, con số có thể đáng báo động. Thật khó tin, nhưng mới cách đây vài năm chúng tôi không hề chứng kiến bệnh nhân với triệu chứng giang mai nguyên phát. Bây giờ ngày càng nhiều, chủ yếu ở những người bị nhiễm HIV. Một khi xuất hiện những người bệnh đầu tiên, các bác sĩ trẻ không có khả năng nhận biết, bởi họ không được trang bị kiến thức thực tế trong thời gian học ở trường.
+ Liệu sự hồi sinh bệnh giang mai có mối quan hệ với lối sống thay đổi?
- Chắc chắn. Đã không sợ AIDS, cớ gì ngại giang mai? Cùng với tình trạng du nhập lối sống phương Tây và bùng nổ các phương tiện truyền thông trong thời gian qua, ở bộ phận đáng kể xã hội đã xảy ra hiện tượng “thả phanh” thoải mái và vô tư trong mối quan hệ nam-nữ. Lối sống buông thả vô tình đóng vai trò đồng minh mẫn cán của bệnh giang mai.
+ Theo giáo sư, sự hồi sinh của bệnh lao và giang mai đã chứng minh điều gì?
- Thế giới tự nhiên không thích sự trống rỗng. Năm 1980 Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố thế giới không còn bệnh đậu mùa. Gần như cùng thời gian đã ghi nhận những trường hợp lây nhiễm HIV đầu tiên ở châu Phi, sau đó ở Mỹ và châu Âu, sớm hơn một chút là dịch sốt xuất huyết tại châu Á. Chúng ta, những kẻ tinh tướng, hợm hĩnh vẫn tưởng bản thân làm chủ thiên nhiên và có đủ những giải pháp thông minh nhằm chế ngự thế giới vạn vật. Vi sinh vật cũng “ký kết” với nhau những “hiệp ước” đủ loại, để tiêu diệt con người, chỉ để mình chúng tồn tại.
Không ít nhà nghiên cứu, trong đó cả tác giả giải thưởng Nobel cho rằng, con người không thể giành phần thắng trong cuộc chạy đua với thế giới vi sinh vật. Không loại trừ khả năng, sẽ dẫn đến thời điểm, vi khuẩn chiến thắng, bởi con người thiếu giải pháp hoặc năng lực, để tự vệ. Có thể ngày tận thế thế giới sẽ diễn ra như vậy?
Dương Hòa
Tri Thức Trẻ