Cần sửa chữa Nhà thờ Chỉ huy thủy quân Hoàng Sa

Cần sửa chữa Nhà thờ Chỉ huy thủy quân Hoàng Sa
TP - Sau bão số 9, ngôi nhà của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ở Lý Sơn, Quảng Ngãi, bị hư hỏng nặng.
Cần sửa chữa Nhà thờ Chỉ huy thủy quân Hoàng Sa ảnh 1
Nhà thờ vị anh hùng khai phá Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật đổ nát sau bão

Ngôi nhà thờ của người từng được vua Minh Mạng sắc phong: “Trung can huyền nhật nguyệt, nghĩa khí quán càn khôn” (Lòng trung sáng tỏ tựa mặt trời mặt trăng, nghĩa khí bao trùm cả trời đất), đã bị hư hỏng rất nhiều. Nhìn từ phía trước, toàn bộ mái nhà bị bão số 9 hất tung lên trời và đập xuống đất nên xơ xác.

Trong nhà có ba chiếc bàn thờ - chính diện, tả, hữu thì đều trong cảnh ngã đổ ngổn ngang. Bàn thờ bên trái thờ linh vị của Phạm Hữu Nhật bị ngói quật xuống làm nhiều chiếc lư hương, chân nến bị gãy gục.

Trên mặt hằn sâu nỗi bần thần, vốc trên tay nắm ngói vỡ, ông Phạm Văn Đoàn, trưởng tộc Phạm Văn, người chịu trách nhiệm trông coi nhà thờ này nhớ lại: Lúc 12 giờ đêm 28/9, bão nổi lên khủng khiếp, toàn bộ cây cối trước nhà đều ngã răng rắc. Nghe tiếng ầm ầm như bom nổ bên hướng nhà thờ... Khi ấy mặc cho vợ con vừa la vừa níu giữ, ông vẫn bất chấp nguy hiểm lao qua nhà thờ.

Trong cảnh ngói bay, cây đổ ngổn ngang, ông chỉ kịp chụp lấy hộp đựng gia phả dòng họ nhét vào tủ cho khỏi ướt. Cứu xong chiếc hộp báu vật của dòng họ, một tảng ngói lớn giáng xuống đầu khiến ông ngã dúi xuống nền đất.

“Cái hộp này có nhiều trang giấy được viết cách đây cả trăm năm, trong đó có một trang ghi rõ họ tên, tuổi, lịch sử của ông Phạm Hữu Nhật và nhiều bậc tiền nhân khác đã ra đảo Hoàng Sa trấn giữ theo lệnh của vua” - nâng niu chiếc hộp gỗ trên tay, ông Đoàn cho biết.

Cần sửa chữa Nhà thờ Chỉ huy thủy quân Hoàng Sa ảnh 2
Ông Phạm Văn Đoàn với hộp đựng gia phả và nhiều tên tuổi những vị anh hùng Hoàng Sa

Theo gia phả của dòng họ Phạm, ngôi nhà thờ của tộc Phạm Văn là một trong những ngôi nhà được dựng đầu tiên khi các vị tiền hiền ra khai phá đảo vào thời vua Lê Kính Tông (1604). Lần sửa chữa gần đây nhất là vào năm 1970.

Vợ ông Đoàn dọn đống cây gác mái, lau nước mắt kể: Ổng suốt ngày lục đục với nhà thờ. Chút mạng nhện bám ổng cũng không chịu. Giờ đây ổng sụm luôn vì buồn. Già rồi, con cháu đều nghèo, biết lấy tiền ở đâu mà sửa chữa - ông Đoàn lo lắng trước sự thiệt hại quá nặng của nhà thờ.

Chỉ tính riêng ngói thôi thì hiện nay đã không còn trên thị trường để mua lợp lại. Ba ngàn viên ngói cổ bị vỡ nát, chỉ còn khoảng hai trăm viên, ông Đoàn và dòng họ phải lợp bằng tôn xi măng để qua nắng mưa. Chính vì vậy, nét cổ kính của ngôi nhà đã mất đi phần nào.

MỚI - NÓNG