Cần sớm sửa Luật Đất đai

ĐB Nguyễn Thái Học ( Phú Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh Hồng Vĩnh
ĐB Nguyễn Thái Học ( Phú Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh Hồng Vĩnh
TP - Nhiều ĐBQH đề nghị sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi, thay vì lùi tới cuối năm 2013 mới thông qua như đề xuất của UBTVQH tại phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật của QH, chiều 1-6.

> Sắp trình Chính phủ Luật Đất đai sửa đổi

Đất đai, vấn đề nóng bỏng

UBTVQH cho biết, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012). Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm.

Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay.

Một số nội dung quan trọng của dự án như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai nên UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Không tán thành với UBTVQH, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, không nên lùi dự án Luật Đất đai thêm nữa, bởi đất đai đang là vấn đề “bức xúc lớn, nóng bỏng hằng giờ đối với người dân”.

“Không nhất thiết phải lùi thời gian thông qua luật này, vì chúng ta có đủ thời gian chuẩn bị và chúng ta đã có định hướng lớn từ NQTƯ5 về vấn đề đất đai rồi. Như vậy, chúng ta vẫn có thể thông qua vào kỳ họp thứ 5 vào đầu 2013” - ĐB Học kiến nghị.

Đồng tình quan điểm này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TPHCM) cho rằng: “Những xung đột cho thấy các quy định hiện hành có những bất ổn” cho nên cần sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi vì tính cấp bách của vấn đề đất đai hiện nay”.

Vấn đề cần sửa, theo ông, là quyền sử dụng đất của người dân và thẩm quyền của nhà nước đối với đất đai. “Chúng ta đã có thời gian tương đối dài để chuẩn bị, nay cần sửa luật ngay để giải quyết những bức xúc, khiếu nại hiện nay.

Nếu lấy lý do cần lùi thời hạn để chờ sửa Hiến pháp thì chưa thuyết phục. Còn để đến kỳ họp thứ 6 mới thông qua thì tình hình sẽ càng phức tạp”- ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nói.

Cho rằng, sửa Luật Đất đai là “mong muốn từ lâu của cả nhà quản lý và nhân dân”, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) kiến nghị: “Nên bổ sung thêm dự án Luật Bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất”, để đảm bảo quyền lợi cho dân.

Một số ĐBQH đề nghị cần ban hành Luật Quản lý đô thị bởi đây là vấn đề rất bức thiết, không nên tìm mọi lý lẽ để đưa vào rồi lại tìm đủ lý lẽ để đưa ra.

Tránh lợi ích nhóm chi phối khi làm luật

Nêu thực trạng thua lỗ, mất vốn do quản lý lỏng lẻo, sơ hở tại các tập đoàn, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số ĐB đề nghị cần có Luật Quản lý các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước.

“Hết vụ Vinashin rồi Vinalines, cho thấy Luật Quản lý vốn nhà nước là rất cần thiết, nhưng chúng ta mới đưa luật này vào chương trình chuẩn bị, cần chuyển thành chương trình chính thức trong năm 2013” - ĐB Hùng nói.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) kiến nghị ngay trong năm 2012 cần sửa Luật Phòng chống tham nhũng để đáp ứng tình hình mới.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu sáng kiến xây dựng Luật về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia vào Chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Khoá XIII và nhấn mạnh mọi hành vi xâm hại chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia phải bị nghiêm trị.

Bàn về công tác làm luật, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, hiện nay có vấn đề, chuẩn bị dự án luật không tốt, phải đưa vào rồi lại đưa ra. Bên cạnh đó, biểu hiện lợi ích nhóm chi phối, có trường hợp ĐB im lặng vì ngại đụng chạm khi làm luật.

“QH nên xin ý kiến ĐB bằng văn bản đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Thậm chí, có thể chỉ có một ý kiến khác thôi, nhưng vẫn phải đưa ra để QH xem xét vì QH có thể vẫn ủng hộ ý kiến đó. Tránh để ý kiến ĐB bị quên lãng”- ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.