Đề cập đến quy định về thành phần hội đồng trường đại học và đại học trong dự thảo luật, ĐB Lê Quốc Phong (Bình Thuận), Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn bày tỏ sự thống nhất cao việc quy định đại diện Đoàn thanh niên là một thành viên đương nhiên của hội đồng trường. Tuy nhiên, theo ĐB cần điều chỉnh theo hướng xác định rõ Bí thư Đoàn trường đại học hoặc Bí thư Đoàn đại học sẽ tham gia vào Hội đồng trường.
Bên cạnh đó, ĐB Lê Quốc Phong cũng khẳng định, việc học các môn lý luận chính trị trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là điều cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để các trường trao đổi, thảo luận với các đối tác nước ngoài khi lựa chọn và xác định chương trình đào tạo tại Việt Nam.
Quy định này cũng để bảo đảm mọi sinh viên học tập trên đất nước Việt Nam đều có điều kiện được tiếp cận, học tập, tiếp thu các kiến thức nền tảng chung, hiểu biết hơn về lịch sử chính trị, thể chế chính trị, nền tảng tư tưởng, định hướng phát triển của đất nước. “Nếu chúng ta không quy định rõ trong luật thì hầu hết các đối tác nước ngoài sẽ viện dẫn nhiều lý do để không đưa vào chương trình đào tạo”, ĐB Phong nói.
Một nội dung khác cũng được Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn đề cập là hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Theo ĐB Phong, việc bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của người học trong dự thảo luật sẽ tạo thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên.
“Nhu cầu của sinh viên được tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học khá lớn. Tiềm năng, sức sáng tạo của sinh viên Việt Nam cần được cổ vũ, khai thác triệt để, làm cơ sở để phát hiện sớm các tài năng”, ĐB Lê Quốc Phong nói đồng thời đề nghị sau khi Dự thảo luật được thông qua, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu sớm sửa thông tư theo hướng quy định rõ hơn về mức kinh phí tối thiểu, điều kiện cần thiết tối thiểu của các trường dành cho hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên, tạo thêm các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu khoa học.