Nhiều người trong chúng ta chỉ biết mỗi trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ. Thực ra, Liên Hiệp Quốc có tới 4 trụ sở: Ngoài cái lớn nhất, nơi thường họp Đại hội đồng tại New York, còn 3 trụ sở khác ở Geneva (viết theo tiếng Pháp là Genève), Vienna (Áo) và Nairobi (Kenya).
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneva mà chúng tôi tới thăm là trụ sở lớn thứ hai trong bốn địa điểm trụ sở chính của LHQ, chỉ sau trụ sở chính tại New York.
Nó nằm trong Palais des Nations (Cung các quốc gia, viết theo tiếng Pháp vì Geneva nằm trong phần lãnh thổ Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp). Cung các quốc gia được xây dựng cho làm trụ sở Hội Quốc Liên từ năm 1929 đến 1938. Từ năm 1946, nó được sử dụng làm trụ sở của LHQ. Cung các quốc gia là tòa nhà phức hợp lớn thứ hai châu Âu sau lâu đài Versailles (Pháp). Tại đây có cả nghìn phòng họp lớn nhỏ và những năm cao điểm, có đến hàng chục nghìn hội nghị quốc tế lớn nhỏ được tiến hành ở đây.
Đóng tại trụ sở Geneva có hơn 20 cơ quan, tổ chức, văn phòng quan trọng của LHQ như Ban điều phối chính LHQ, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Cao ủy LHQ về Nhân quyền, Hội nghị giải trừ quân bị, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới,...
Toàn khu Cung được trang trí bằng những bức tranh, tượng và vật phẩm từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có chiếc trống đồng Đông Sơn mà biển đề cho biết do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tặng.
Trở lại căn phòng nơi diễn ra Hội nghị Geneva về Đông Dương. Nó có tên là Phòng Hội đồng, cho đến bây giờ vẫn dùng làm nơi họp Hội đồng của đại diện tất cả các nước thành viên LHQ. Đó là một gian phòng khá lớn, được thiết kế theo lối có ban công lắp ghế ngồi từ 3 phía, phía dưới có một không gian hình chữ nhật ở chính giữa, kê các dãy bàn hình chữ U hướng lên bàn chủ toạ. Tôi nhìn thấy chỗ ngồi của đại diện Việt Nam (mỗi nước chỉ có một chỗ duy nhất) ở hàng thứ nhất, nhánh chữ U bên tay phải theo hướng nhìn lên bàn chủ tọa, bên cạnh các nước Venezuela, Zimbabwe, Mỹ,…
Điều đặc biệt của phòng Hội đồng là trần và các mặt tường đều được phủ kín bằng các bích hoạ cỡ đại. Nhìn vào lập tức hiểu là tranh đề cập những vấn đề mang tầm nhân loại. Người hướng dẫn gõ vào điện thoại cho tôi tên tác giả của những bức tranh này: José María Sert(1876-1945). Họa sĩ người xứ Catalan, Tây Ban Nha này là một trong những nhà bích hoạ lớn nhất thế kỷ 20. Năm 1936, ông đã vẽ tại phòng họp quan trọng này của tổ chức khi đó là Hội Quốc liên những tranh mang tính biểu tượng của chiến tranh và hòa bình, tiến bộ và nhân đạo, công lý và pháp luật quốc tế…
Tôi gọi ngay được trên điện thoại ra tấm ảnh chụp quang cảnh một phiên họp của Hội nghị Geneva về Đông Dương diễn ra gần 65 năm trước đó và thú vị nhận ra nhiều nét của căn phòng vẫn giống hệt như bây giờ, khác cái là bàn họp khi đó được kê 4 cạnh vuông khép kín. Trong hội nghị khi đó có sự tham gia của 9 đoàn đại biểu Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào, trong đó đại diện cho lực lượng kháng chiến của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đang thắng thế trên chiến trường Đông Dương chỉ có phái đoàn nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Bức ảnh đó chụp đại cảnh, người rất nhỏ, khi phóng lên thì mờ khiến tôi không thể nhận ra đâu là chỗ phái đoàn Việt Nam ngồi để từ đó, Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng “nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít” như Tố Hữu viết trong bài tráng ca “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” trong những ngày tháng không thể nào quên đó.
Năm 2014, trong dịp kỷ niệm 60 năm Hội nghị Geneva, có thể nói lần đầu tiên, các cơ quan báo chí chính thống của ta đăng công khai những thông tin về “mặt trái của tấm huy chương” ở Hội nghị Geneva. Một mặt, nó đánh dấu thắng lợi của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, Campuchia, nhưng mặt khác, như trong bài viết “Giá trị của những bài học từ Hiệp định Genève” của TS Ngô Vương Anh đăng trên tờ Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam, “bản Hiệp định đạt được chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân ba nước Đông Dương nói chung trên chiến trường do sự chi phối của xu thế hòa hoãn và sự thỏa hiệp của các nước lớn”.
Bài báo đó viết tiếp: “Nữ luật gia Laury Anne Bellessa (người Pháp) nhận xét: …Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên chiến trường nhưng tại bàn hội nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình.
Hiệp định Geneve là kết quả của 9 năm kháng chiến anh dũng, nhiều hy sinh gian khổ của nhân dân ta nhưng đó là kết quả không tương xứng với thực tế trên chiến trường. Nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam còn phải đi tiếp chặng đường dài 21 năm với nhiều sự hy sinh mất mát đau thương hơn để đạt tới điều lẽ ra đã diễn ra tháng 7/1956”.
Những khiếm khuyết của Hội nghị Geneva không phải vô ích. Chúng ta đã rút ra được bài học xương máu và đến Hiệp định Paris thì không ai có thể ép được chúng ta nhượng bộ nữa. Lực lượng vũ trang của chúng ta không rút đi tập kết như sau năm 1954 mà vẫn ở lại tại chỗ sau Hiệp định và điều đó là một trong các tiền đề quyết định để dẫn đến thắng lợi hoàn toàn mùa xuân năm 1975.
Hôm đó, gần 65 năm sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, tôi đứng trên phần “khán đài” của phòng Hội đồng trong Trụ sở LHQ nhìn xuống khoảng không gian bên dưới lúc này không một bóng người và hoàn toàn tĩnh lặng, hình dung trong đầu nơi đây đã từng có mặt biết bao yếu nhân của nhân loại của đủ loại chính kiến chính trị và tôn giáo, đức tin trong gần một thế kỷ qua. Và cũng trong khoảng không gian này, biết bao lần khi thì mãnh liệt phun trào, khi thì âm thầm nhưng vẫn sôi sục những ước mong, những khát vọng và cả những toan tính, những mưu đồ có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của các quốc gia, các dân tộc, của cả tỷ người trên trái đất.
Đó là một không gian gợi mở cho người ta nhiều cảm xúc, nhiều suy ngẫm và những bài học.
Trưởng phái đoàn đại diện của Việt Nam tại Trụ sở LHQ tại Geneva hiện nay là Đại sứ Dương Chí Dũng. Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã được ông và cán bộ của phái đoàn tiếp rất ấm cúng, thân tình tại trụ sở của phái đoàn ở Geneva. Một trụ sở được bài trí thuần Việt với nhiều tranh và đồ gỗ chuyển từ quê hương sang.
Các nhà báo Việt Nam nghe kể về gian phòng nơi diễn ra Hội nghị Geneva. Trên là một đoạn tranh tường của hoạ sĩ José María Sert
Chiếc trống đồng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tặng được trưng bày trang trọng tại Trụ sở LHQ ở Geneva
Ảnh chụp một phiên họp của Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954