> Kích cầu để giải nợ xấu
> Lối thoát nào cho nền kinh tế?
Tại buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 ngày 27/5, TS Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách-VEPR) cho rằng, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ, nhưng cơ sở phục hồi còn mờ nhạt.
Theo đánh giá của báo cáo, năm 2013, các vấn đề của nền kinh tế vẫn đáng lo ngại do hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, số lượng rút khỏi thị trường lên tới hàng chục nghìn doanh nghiệp. Đây là điều chưa từng xảy ra với Việt Nam, trong khi các giải pháp chính sách đưa ra không đủ mạnh đã cản trở sự phục hồi kinh tế.
“Trong ngắn và trung hạn, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết nợ xấu và hồi sinh khu vực doanh nghiệp cũng như giải quyết vấn đề hồi phục thị trường bất động sản. Khơi thông được những vấn đề này sẽ hỗ trợ hệ thống tài chính tín dụng phục hồi. Về dài hạn, Việt Nam cần khôi phục niềm tin của người dân và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp nhà nước trong hoạt động kinh tế”, TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.
Phải chấp nhận cắt bỏ
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể lạc quan được với những nhận định gần đây về tình hình kinh tế năm 2013 do mọi thứ đang hết sức phức tạp.
Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, “cục nợ” của các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và việc lập công ty quản lý tài sản với số vốn 500 tỷ đồng sẽ giải quyết ra sao… Đây là những vấn đề phức tạp với nền kinh tế hiện nay.
Việc xử lý nợ xấu hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo cơ chế phát hành trái phiếu đặc biệt mới chỉ là một cách làm sạch sổ sách trong thời gian 5 năm, chứ không phải biện pháp xử lý tận gốc vấn đề.
Có 2 kịch bản dự báo tăng trưởng cho năm 2013. Cụ thể, nền kinh tế vẫn tiếp tục đi ngang như năm 2012 do chưa có những điều chỉnh thực sự trong cấu trúc kinh tế. Theo kịch bản thấp, dự báo GDP tăng khoảng 5,04%; mức 5,35% nếu theo kịch bản cao. Cả 2 mốc này đều thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra đầu năm là khoảng 5,5%. Dự báo lạm phát của cả năm 2013 trong mức từ 4,95 - 6,64%. |
Theo TS Doanh hiện có nhiều vấn đề liên quan đến chính sách điều hành. Điển hình như NHNN là nơi quản lý chính sách, nhưng lại trực tiếp đấu thầu vàng.
“Nếu Bộ Xây dựng đứng ra đấu thầu xi măng, sắt thép thì mọi việc sẽ như thế nào. Những vấn đề liên quan tái cấu trúc, nợ xấu, bất động sản đang xen kẽ móc nối nhau, không giải quyết được khi cơ quan quản lý đang áp dụng chính sách theo kiểu vừa đá bóng thổi còi, vừa ra luật vừa đấu thầu”, ông Doanh nói.
TS Bùi Ngọc Sơn (Đại học Ngoại thương) cho rằng, thời điểm này không nên bàn đến tăng trưởng, mà cần quan tâm đến cấu trúc hệ thống DNNN đang nắm nhiều tài nguyên (nhưng hoạt động không hiệu quả), giải quyết vấn đề thị trường bất động sản chờ chết, ngân hàng loay hoay với nợ xấu và cũng đang bất động.
“Mọi việc hiện nay dường như tất cả đổ lên hệ thống ngân hàng vốn đã rất yếu đuối. Nếu không chấp nhận cắt bỏ những chỗ đau đó thì tình hình không giải quyết được những bế tắc đó”, ông Sơn nói.