Cần luật hóa lấy phiếu tín nhiệm

Bà Trương Thị Mai. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bà Trương Thị Mai. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 16/3, cho ý kiến về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, một số đại biểu đề nghị quy định rõ giá trị pháp lý và hiệu lực của hoạt động giám sát. Cần luật hóa các quy định về lấy phiếu tín nhiệm.

Tại Tờ trình dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Trên cơ sở kế thừa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003), khái niệm “giám sát” được chỉnh lý, bổ sung theo hướng giám sát trong dự thảo luật không chỉ là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”, mà còn bao gồm cả việc “xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự thảo luật quy định có nhiều hình thức giám sát như chất vấn, xét báo cáo, giải trình, lấy phiếu tín nhiệm… “Mỗi hình thức giám sát đều có giá trị pháp lý khác nhau. Nhưng đại biểu Quốc hội mong muốn, luật phải quy định, có những giải pháp cụ thể, nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của hoạt động giám sát, giá trị đó phải khả thi hơn”, ông Lưu phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước kiến nghị làm rõ tính pháp lý của hoạt động giám sát. Tính pháp lý cần thể hiện bằng kết luận giám sát. Hội đồng Dân tộc từng đi giám sát và có kết luận về một số vấn đề của dự án Thủy điện Sơn La, sau đó Chính phủ rất quan tâm, tiếp thu nhiều nội dung đặt ra. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình, luật cần làm rõ hiệu lực của giám sát và đó không phải chỉ là những kiến nghị chung chung; tùy mức độ, có thể có hình thức phù hợp hơn.

Đề nghị bổ sung quy định “trách nhiệm các thành viên giám sát”,  Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói rằng, thực tế, có những thành viên luôn vắng mặt trong các buổi giám sát mà không báo cáo. “Có thực trạng đoàn giám sát không đủ thành phần, rất phản cảm, không có uy tín, không đúng mục đích, yêu cầu giám sát đặt ra. Vắng phải có lý do, nghỉ dài ngày phải có người đủ thẩm quyền thay thế. Đề nghị quy định người vi phạm phải xử lý trách nhiệm”, ông Sơn kiến nghị.

Theo Cơ quan Thẩm tra, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 85/2014/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Dự thảo Luật đã được thể hiện theo hướng quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND nhưng không đưa hết nội dung của nghị quyết này vào luật. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị thu gọn các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Nghị quyết số 85/2014/QH13 vào dự thảo luật, thể hiện cho thống nhất, tránh tình trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần quy định cụ thể về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn ngay trong luật này. Việc luật hóa các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong luật này là cần thiết, vì đây cũng là hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.

Giám sát văn bản vi hiến

Về giám sát văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, bà Trương Thị Mai và một số đại biểu đề nghị quy định chung trình tự, thủ tục Quốc hội xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp với văn bản pháp luật có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, chỉ nên quy định chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội xem xét những văn bản trái Hiến pháp, pháp luật là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

MỚI - NÓNG