Hơn 4 tháng trước, 6 công nhân vào một rọ sắt (dài khoảng 6m, rộng và cao 1m), máy tời đưa lên phía trên cửa xả nước của Dự án thủy điện Plei Kần để thực hiện khoan, cắt bê tông ở độ cao khoảng 10m, không may cáp tời treo rọ sắt bị đứt, cả 6 công nhân rơi xuống cửa xả nước. Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương. Trong những người gặp nạn có người mới 16 tuổi (bị thương).
Vụ việc này đặt ra nhiều câu hỏi đối với chủ đầu tư và cơ quan chức năng: Trẻ vị thành niên vì sao lọt vào công trình; các công nhân có chứng chỉ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (bắt buộc khi tham gia thi công) hay không; quy trình xây dựng thủy điện, ai giám sát; chất lượng thi công thế nào,...
Liên quan đến vụ tai nạn lao động này, chiều 16/10, một cán bộ Công an tỉnh Kon Tum nói: “Vừa rồi, Cục An toàn Lao động đã vào giám định. Đơn vị đang đợi kết quả giám định của họ, nếu quá thời gian quy định, tức quá 4 tháng mà chưa nhận được trả lời, Công an tỉnh Kon Tum sẽ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án”.
Trước trả lời này của Công an tỉnh Kon Tum, ông Đặng Thanh Bình- Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Kon Tum-Trưởng Đoàn điều tra lao động thẳng thắn phản ứng “Không có bộ nào vào đây cả. Bộ chỉ vào đối với những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, tức 10 người tử vong trở lên”.
Theo ông Bình, giữa tháng 9/2020, Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cũng đã có công văn gửi Công an tỉnh Kon Tum về việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh làm chết người tại Cty CP Tấn Phát. Tài liệu gồm biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi nạn nhân. Tuy nhiên, đến nay, ông Bình nói rằng, Công an tỉnh Kon Tum chưa có văn bản trả lời chính thức, đầy đủ về đề nghị cung cấp hồ sơ vừa nêu. “Khởi tố vụ án hay không là thẩm quyền của Công an tỉnh Kon Tum, nhưng hồ sơ cần gửi sớm cho Sở LĐ-TB&XH Kon Tum để xác định lỗi, xử lý hành chính vì hồ sơ có ngay từ đầu rồi”, ông Bình nói. Đối với trường hợp sử dụng công nhân 16 tuổi (bị thương) trong vụ án trên, ông Bình cho biết sẽ xử phạt doanh nghiệp về lỗi "Sử dụng lao động trẻ em".
Đặc biệt, theo quan điểm của ông Bình, việc Cty CP Tấn Phát đền bù đối với 2 công nhân tử vong A.Tr. (SN1993) và A.K. (SN 1995) đều trú ở TP Kon Tum, mỗi nạn nhân 190 triệu là tạm ổn; riêng trường hợp A.H. (SN 1997, ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) tử vong nhưng chỉ đền bù 85 triệu đồng là thấp, Sở LĐ-TB&XH Kon Tum sẽ tiếp tục theo dõi xử lý, không để người địa phương thiệt thòi.