Phim Ranh giới gây tranh cãi

Cần làm mờ ranh giới giữa sự sống và chết?

0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế đang nuốt nước mắt sau khi không cứu được một sản phụ... Cảnh trong phim Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
Nhân viên y tế đang nuốt nước mắt sau khi không cứu được một sản phụ... Cảnh trong phim Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
TPO - Ranh giới - phim tài liệu VTV1 công chiếu tối 8/9 phần nào đáp ứng “cơn khát” của công chúng về những gì thực sự xảy ra nơi tuyến đầu chống COVID-19. Chính vì thế mà nó tạo thành một làn sóng chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Tuy vậy một số ý kiến cho rằng phim xâm phạm quyền riêng tư về hình ảnh của bệnh nhân.

Ngay từ thể loại (tài liệu) và đề tài (COVID-19), Ranh giới đã dễ khiến đại chúng quan tâm. Từ đầu đến giờ hình như chưa có thước phim chính thống nào về đại dịch. Những hình ảnh từ trong bệnh viện chữa trị F0 lại càng hiếm.

Ê-kip làm phim chọn mảng đề tài mang tính tương phản giữa hai đối cực sống và chết. Mỗi bệnh nhân COVID nặng ở đây đều đang gánh trọng trách mang một mầm sống mới đến với thế giới. Là những sản phụ. Bối cảnh được chọn là bệnh viện Hùng Vương khá khang trang, trang thiết bị nói chung đầy đủ. Tất nhiên VTV đã phải kén hình ảnh và bối cảnh tránh gây sốc cho người xem truyền hình rồi. Vậy nên cũng có thể phỏng đoán thực tế trong các bệnh viện (khác) nhiều khả năng còn khủng khiếp hơn. Mà không chỉ trong bệnh viện…

Cần làm mờ ranh giới giữa sự sống và chết? ảnh 1

Cảnh phim khiến không ít người ám ảnh- Ảnh chụp màn hình

Cái thiếu ở bệnh viện “kiểu mẫu” trong phim chủ yếu là đội ngũ y bác sĩ và giường bệnh. Chính vì thế mà họ phải căng mình làm việc quên giờ giấc. Phim cho thấy sự tất tả của nhân viên y tế và một phần nỗi vất vả khi họ tranh thủ ngủ vạ vật chỗ nào có thể.

Nhưng chủ đề tập trung vẫn là ranh giới giữa sống và chết. Khán giả được chứng kiến những cơn khó thở đến mức mất tỉnh táo của các sản phụ. Thấy mong ước cuối cùng trước khi mở khí quản (khả năng tử vong rất cao) của một sản phụ là “Em muốn gặp con” tức đồng nghĩa với chị muốn sống, để chứng kiến con chào đời... Nếu trong phim lãng mạn phương Tây, người chồng (được bác sĩ kết nối cho một cuộc trò chuyện biết đâu là lần cuối) sẽ nói điều gì tương tự như “Anh yêu em nhiều lắm”. Còn thực tế người chồng Việt nói gì, mời khán giả xem phim.

Một cảnh đinh nữa là khi ống kính ghi lại được nỗi đau khổ sau 2 lần khẩu trang của thân nhân khi chỉ được xem những hình ảnh cuối cùng của người đã khuất qua màn hình điện thoại của bác sĩ. Mặc dù độ gây sốc không hơn thế, nhưng một số người đã lên tiếng oán thán đoàn phim đã không làm mờ mặt nhân vật khi họ đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Chắc mọi người đã quen với phóng sự tin tức khi phóng viên không thể tiếp cận với người được quay để xin phép nên tốt nhất là làm mờ mặt/mắt. Một số trường hợp đặc biệt cần giấu mặt khác khi nhân vật cần được bảo vệ và không muốn lộ mặt. Nhưng đây là phim tài liệu và ranh giới sống chết chính là mấu chốt mà bộ phim hướng tới. Và những cảnh con người vật lộn với hơi thở của chính mình là trực quan hơn cả.

Tất nhiên vài cảnh có thể làm một số người sốc nhưng rõ ràng về nghiệp vụ, phim đã kịp bắt được những khoảnh khắc lay động để cống hiến cho khán giả. Còn các quy chuẩn về đạo đức, nghề nghiệp họ là những người chuyên nghiệp khắc biết giải quyết và chịu trách nhiệm. Giống như bức ảnh ghi lại một thảm họa nhân đạo chẳng hạn, mà lại làm mờ mặt/mắt nhân vật thì làm sao được giải Ảnh Báo chí Thế giới?! Ở đây rõ ràng các nhà làm phim và cả nhân vật (khi chấp nhận mình hoặc người thân của mình lộ diện) đã đi trước một số khán giả về độ dũng cảm rồi.

Cần làm mờ ranh giới giữa sự sống và chết? ảnh 2

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trả lời báo chí:

"Tôi cũng nuối tiếc vì có những nhân vật, câu chuyện, khoảnh khắc cực kỳ giá trị nhưng đến phút ghi hình lại bị từ chối vì nhiều lý do. Có những cái mang đến cảm xúc cao trào tột cùng tôi muốn gửi gắm, chắc chắn khiến người xem có cảm giác mạnh hơn nhưng tôi lại không thực hiện được".

Ranh giới vẫn có những cảnh không thực sự tuân thủ phong cách phóng sự tài liệu, có dấu hiệu sắp đặt. Ví như cảnh bà giám đốc bệnh viện được lặp lại hơn một lần đang phát biểu trong cuộc họp với các nhân viên vây quanh ghi chép.

Một số cảnh cho thấy bác sĩ đang cố gắng thuyết minh về những gì đang xảy ra (vì sợ khán giả không hiểu) cũng làm chậm tiết tấu của phim. Hẳn chính vì mấy đoạn này mà phim còn bị đặt dấu hỏi có làm gián đoạn công việc cứu người của bác sĩ. Thôi thì cũng có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh ngặt nghèo cũng như phải đáp ứng tính thời sự không thể phỏng vấn thêm các nhân vật ngoài giờ làm. Dù vẫn còn một giải pháp nữa là chạy phụ đề những thông tin cần bổ sung.

Đại dịch là một hiện thực rộng lớn và đa chiều để các nhà làm phim cũng như nhà văn, nhà nhiếp ảnh… khai thác. Có thể một đội làm phim độc lập sẽ còn đem lại những thước phim còn trần trụi hơn. Nhưng vấn đề không phải ai cũng đủ điều kiện (gồm cả dũng khí) để được vào bệnh viện quấy quả bác sĩ và bệnh nhân lúc này.

MỚI - NÓNG