Chiều 24/2, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở N&PTNT) Hải Dương cho biết, tới nay lượng nông sản toàn tỉnh mới tiêu thụ được hơn 60%. Theo ông Quân, việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn do sự kiểm soát khắt khe trong phòng chống dịch của các tỉnh, thành lân cận, nhất là Hải Phòng.
Thống kê của Sở NN&PTNT Hải Dương cho thấy, rau màu vụ đông toàn tỉnh đang thu hoạch với sản lượng còn lại (tính đến 21/2) khoảng 90.000 tấn hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. Trong đó, 10.000 tấn đang được bảo quản trong kho mát (tương đương gần 1.500 container loại 40 feet); 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch; 1.000 tấn lợn sữa và rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông...
Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, rau màu vụ đông cùng kỳ năm 2020 của tỉnh trị giá khoảng 4.300 tỷ đồng. Năm 2021, dự kiến năng suất cao hơn, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến 15/2 toàn tỉnh mới tiêu thụ được 50% sản lượng. Từ đó đến nay, việc tiêu thụ vô cùng khó khăn.
Ngày 23/2, UBND TP Hải Phòng có văn bản hỏa tốc, bỏ điều kiện “có giấy xác nhận của CDC Hải Dương” đối với kết quả xét nghiệm của lái xe, phụ xe từ Hải Dương xuống thành phố này.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương, sáng 24/2, ông vẫn nhận được phản ánh bằng hình ảnh một số doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) gửi về rằng, xe từ Hải Dương đi xuống Hải Phòng khi tới chốt kiểm soát trên quốc lộ 5 Hải Dương - Hải Phòng phải quay về. Đường tới cảng Hải Phòng đối với nông sản Hải Dương vẫn gặp khó, khi chính quyền thành phố cảng kiểm soát, chặn quốc lộ 5.
Những xe vận chuyển hàng hóa muốn vào Hải Phòng buộc phải qua quốc lộ 38B để đi trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Cung đường xa ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa, khiến công tác kiểm soát, phòng chống dịch tại chốt kiểm soát ở nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với quốc lộ 38B thêm nhiều khó khăn, ùn tắc kéo dài, tăng phí vận chuyển.
Ông Hải tỏ ra không hài lòng khi Hải Phòng có sự “phân biệt” hàng hóa: Chỉ cho hàng công nghiệp, xuất khẩu được lưu thông, còn hàng nông sản bình thường không được đi qua đây.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương, 80% sản phẩm nông sản của tỉnh này chủ yếu XK và tiêu thụ ngoài tỉnh. Trong đó, với nông sản vụ Đông, hầu hết phải qua Hải Phòng xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan theo các hợp đồng đã ký kết từ nay đến cuối tháng 2. Khó khăn trong lưu thông hàng hóa qua Hải Phòng sẽ khiến hàng không được bàn giao đúng thời hạn hợp đồng. Điều này không những gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với nông dân, DN mà còn ảnh hưởng tới uy tín của hàng nông sản Việt Nam.
Trong một số công văn gửi Hải Phòng gần đây, lãnh đạo Hải Dương nêu rõ: “Đề nghị UBND thành phố Hải Phòng sớm tạo điều kiện để nông sản của Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng kịp thời xuất khẩu”.
Cần giang tay giải cứu
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nông sản Hải Dương có 80% là cà rốt, bắp cải, su hào... để XK, chứ không phải tiêu thụ nội địa, phụ thuộc chính vào các cảng biển Hải Phòng. Thế nhưng, với sự kiểm soát của Hải Phòng mấy ngày qua, đối với phương tiện đi mỗi cao tốc, DN phải tốn thêm chi phí ít nhất 1 triệu đồng/chuyến xe.
Theo ông Phú, việc giải cứu những ngày qua vẫn tự phát là chính, chưa tổ chức chặt chẽ. “Bộ Công Thương vẫn đang trình Chính phủ, xin ý kiến Bộ Y tế... 10 ngày rồi vẫn báo cáo, công văn đi -lại... Bộ Công Thương tuyên bố 1 ngày tiêu thụ hàng trăm tấn, ai bán, ai thống kê? Siêu thị Lotte Mart ở Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) có bán tí rau củ quả nào giải cứu cho Hải Dương đâu? Cà chua vẫn 30.000đồng/kg. Nông sản Hải Dương chủ yếu xuất khẩu, chất lượng tất nhiên đảm bảo rồi, chỉ cần phun khử khuẩn phòng dịch là bán được, sao họ không “giải cứu””, ông Phú bức xúc nói.